Chương 17 – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Hyun Hee

0
2658
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

CHƯƠNG MƯỜI SÁU

Như ánh sáng ban ngày thay màn đêm tăm tối, buổi sáng hôm sau cũng đến với tôi như thế. Tôi được chuyển sang phòng khác, có cửa sổ và những tia nắng sớm rạng rỡ tràn vào phòng. Tôi mở cánh cửa sổ, cho bầu không khí mùa xuân trong trẻo vào phòng. Trước cửa sổ là một thung lũng sâu, dựng đứng về phía đối diện. Buổi sáng hôm ấy, hoa lá mới màu sắc làm sao!

Xa xa, tôi thấy những người leo núi, gió đưa tiếng trò chuyện của họ vọng đến nơi tôi. Tôi thèm hét lên với họ, nhưng rồi thôi vì không muốn làm Li Ok tỉnh giấc.

Một xấp báo buổi sáng được nhét qua cửa ra vào cho tôi. Tôi xem các trang đầu. KIM HYUN HEE ĐƯỢC ÂN XÁ! – những tựa đề báo được in hoa như thế. Tôi rất mừng vì như thế, tin tôi được ân xá đã được củng cố. Nhưng tôi sợ, không dám đọc các bài báo.

Ngày hôm ấy, chúng tôi tới Công viên Lớn tại Seoul, nơi đông nghịt học sinh và các đoàn du khách. Bữa nay, tôi cảm thấy vui vẻ khi được hòa mình vào đoàn người. Tôi không còn cảm thấy lạc lõng ở đây. Tôi đã thuộc về nơi này. Đó là một cảm giác hạnh phúc không thể tả nổi!

Gần chỗ chúng tôi, một nhóm các bé gái đang chơi đùa. Tôi ghen tỵ nhìn các em, rồi quay sang bảo Li Ok:

Thời xưa, tôi cũng từng chơi những trò như thế này đây…

Có điều, về sau, Kim Chính Nhật đã cấm tiệt những trò chơi ấy, mặc dù chúng vui nhộn hơn rất nhiều so với khi chúng tôi vừa chơi vừa phải hát những bài hành khúc kiểu “Tiến lên! Tiến lên! Đội quân Triều Tiên! Giết sạch lính Mỹ! ”

Chúng tôi vào một viện bảo tàng. Đúng như tôi chờ đợi, bảo tàng ở đây khác hẳn ở miền Bắc. Già nửa số tác phẩm được trưng bày đều có đề tài đặc tả thân thể khỏa thân, và điều là điều cấm kỵ ở Triều Tiên. Tôi nhớ lại một bộ phim được chiếu cho chúng tôi, những điệp viên, để giới thiệu nền văn hóa đồi trụy, bệnh hoạn phương Tây. Các nghệ sĩ đổ màu vẽ lên thân thể không còn mảnh vải của họ rồi nằm lăn ra vải. Khi chiếu những cảnh tượng như thế, người ta chờ đợi ở chúng tôi những nhận xét kiểu: “Quả thực, đây là thứ thế giới chó má! ”

Nhưng bảo tàng này thì thật là muôn vẻ và thú vị. Chẳng mấy chốc, Li Ok và những người khác đã mệt mỏi và ra ngồi trên một chiếc ghế, nhưng tôi còn thích thú đi xem phải đến ba tiếng nữa. Tôi muốn xem hết tất cả!

Cuộc sống mới của tôi bắt đầu hình thành, từng bước một. Mặc dù, sự thật là tôi được “tự do”, nhưng tôi vẫn phải ở lại Nam Sơn trong một thời gian. Tình báo Hàn Quốc phát hiện ra rằng các điệp viên miền Bắc ở Seoul được lệnh phải giết tôi, nghĩ là tôi sẽ gặp nguy hiểm nếu không có ai bảo vệ. Và tôi cũng muốn điều này. Tôi chuyển sang phòng mới, có TV và nhóm Nak Yong, Sengju và Li Ok vẫn ở cùng tôi. Hơn nữa, tôi bắt đầu học Thần học cùng cha Han, trong thời gian diễn ra vụ án ông đã tìm gặp tôi vài lần và dạy tôi một số đoạn “Thánh Kinh”.

Con ạ, một cuộc sống mới đang mở ra với con – một bữa, ông nói với tôi khi chúng tôi đi dạo bên sườn đồi gần Nam Sơn. Nhóm điệp viên đi sau chúng tôi vài bước để phòng hậu họa. – Tại sao con không tuyên thệ trong Hội Thánh của cha? Chúng ta rất vui mừng được có thêm con.

Ôi, cha ơi, con không làm được điều đó đâu! – tôi bối rối đáp. – Con không xứng đáng. Cho dù được ân xá, nhưng cả cha và con đều biết rằng con tội lỗi mà…

Tất cả chúng ta đều có tội, Hyun Hee ạ. Mặt khác, theo cha, con chính là một bằng chứng sống về những phép màu của Đức Chúa trời, nếu con muốn biết sự thật.

Nhưng, cha ơi… làm sao để tuyên thệ?

Đơn giản, con chỉ việc tuyên bố trước mọi người, rằng con trở về với Đức Chúa trời, ơn Chúa, người đã chỉ cho con sự tha thứ. Con hãy nói với mọi người rằng con muốn theo Thiên Chúa giáo và con tin vào sự khoan dung của Đức Chúa trời. Rất đơn giản!

Tôi ngẫm nghĩ trong khi đi dạo. Như tôi đã nói, ở miền Bắc, tôn giáo bị khinh thị và giễu cợt. Nhưng đối với tôi, những đoạn “Thánh Kinh” mà cha Han dạy cho tôi đã vô cùng có ý nghĩa. Tôi biết rõ rằng can bản của Thiên Chúa giáo không phải là khoa học, mà là đức tin, nhưng “Thánh Kinh” đã đi vào lòng tôi, cho dù tôi không phải người phương Tây. Bắt đầu, tôi cảm thấy bàn tay Chúa trong tất cả những gì xung quanh tôi, và tôi dễ chịu khi được gọi mình là người Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, tôi cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa và dù thế nào đi nữa, tôi cảm thấy không đủ sức lực để nói trước một cử tọa. Có điều, cha Han đối xử rất tốt với tôi. Không bao giờ ông phán xét, mà luôn cho tôi hy vọng. Hơi sợ sệt, nhưng tôi nhận với cha rằng sẽ tuyên thệ.

Cha Han mừng lắm và chúng tôi chọn ngày 16 tháng Năm. Đến hôm ấy, Li Ok ra ngoài và mua cho tôi một bộ vét nữ hợp thời trang, nhưng thoạt đầu tôi không dám mặc vì chiếc váy hơi ngắn. Nhiều lần tôi đã được nghe mọi người bảo rằng tôi đẹp, nhưng không bao giờ tôi tin. Tôi không tin mấy vào tính dục của tôi, vì tôi đã phải bóp nghẹt nó trong đa phần khoảng đời đã sống. Sự hấp dẫn thể xác, với tôi, là hoàn toàn bí ẩn.

Nhưng Li Ok khích lệ tôi cứ mặc bộ vét đó đi. Khi thay xong, Nak Yong bước vào và ông kinh ngạc nhìn tôi.

Cô làm tôi hoa mày chóng mặt đấy! – Nak Yong nói đùa. Tôi mỉm cười. Nak Yong năm mươi tuổi, điển trai và hiện độc thân. Ngoài ra tôi không biết gì mấy về ông. Lời khen của ông khiến tôi dễ chịu, nhưng cũng làm tôi bối rối và không biết phải trả lời ra sao.

Chúng tôi tới nhà thờ. Đường đông nghịt, chỉ thiếu chút nữa là chúng tôi đến chậm. Cha Han bảo tôi chờ ở ngoài, trong một căn phòng, để ông giới thiệu tôi trước với mọi người đã, và ông còn cỗ vũ tôi một chút trước khi tôi bước vào nhà thờ.

Rồi tôi cũng được giới thiệu và được chào đón bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt, khiến tôi ngạc nhiên thực sự. Nhiều ký giả cũng có mặt tại nhà thờ, nhưng tôi không cảm thấy khó xử. Đứng trước bục, cổ họng khô rang, tôi hắng giọng và mãi mới cất được lời.

Xin chào quý vị.

Câu nói của tôi vang vọng trong nhà thờ và đột nhiên, tôi cảm thấy như mình được nhân lên gấp bội.

Đức Chúa trời đã cho tôi thấy những công việc trọng đại và những phép màu của Người – tôi mở đầu và sau đó, đọc bài phát biểu đã viết sẵn cho dịp này. Khi tôi kết thúc, cử tọa cùng đồng thanh nói “Amen”, và nhiều thành viên Hội Thánh đã bật khóc. Tôi bị lôi cuốn khi chứng kiến sự tha thứ như thế và trong lòng tôi, rộn lên một sự biết ơn: Đức Chúa trời đã cho tôi đến được Hội Thánh của Người và trở thành chỗ dựa cho tôi trong cuộc đời mới.

Sự kiện khiến tôi kinh ngạc nhất – và cũng vui mừng nhất đối với tôi – kể từ ngày tôi bị bắt, đã diễn ra chỉ sau đó vài bữa. Một tối nọ, Nak Yong nhào vào phòng tôi khi tôi đang mê mải ngắm cảnh hoàng hôn trong ánh trời tím ngắt và thích thú với làn gió đang mơn man khuôn mặt tôi. Mặt trời đang xuống bao phủ sườn đồi đầy hoa phía đối diện trong vầng sáng ấm áp của nó và tôi cảm thấy vui mừng vì được sống.

Cô xem tấm ảnh này nhé – ông ấn vào tay tôi một bức ảnh. – Có nhận ra ai ở đó không?

Tôi xem kỹ tấm ảnh đen trắng và sửng sốt.

Trời ơi! Ông kiếm được nó ở đâu vậy?

Nghĩ là cô có nhận ra? – Nak Yong mừng rỡ.

Tất nhiên rồi! – tôi nói. Đó là tấm ảnh lớp mẹ tôi, chụp khi bà còn học phổ thông; tôi đã được thấy nó nhiều lần khi ở nhà. Ngay lập tức, ánh mắt tôi tìm mẹ và tôi hình dung như chúng tôi lại sum họp cùng nhau. Mắt tôi ứa lệ. Tôi nhớ mẹ biết chừng nào! – Ông kiếm tấm ảnh này ở đâu? – tôi hỏi lại Nak Yong, lòng rưng rưng.

Đây, đây – Nak Yong cười. – Một câu chuyện thú vị đấy. Có lẽ cô có họ hàng ở Seoul đấy, Kim tiểu thư ạ!

Ngày 21 – 7 – 1989.

Chúng tôi đến dự một cuộc hội họp tại Nhà Hội đồng Năm tỉnh phía Bắc. Sẽ có nhiều nhà báo tham dự, nhưng tôi không quan tâm. Người ta tìm thấy một người đàn ông tên là Im Qanho, dường như là em họ của ông ngoại tôi.

Khi tới nơi, tim tôi đập loạn xạ. Vào phòng, tôi không hề để tâm đến nhóm phóng viên đang ở đó, và cũng không buồn đáp những câu họ hỏi. Tôi chỉ chủ tâm tìm kiếm ông.

Và khi ấy, tôi đã thấy ông. Trong một khoảnh khắc, tôi tưởng tôi thấy bác Qan Shik, em trai của ông tôi. Ông cũng nhận ra tôi, vẫy tôi, nhưng dễ thấy là chúng tôi còn chưa được tự do trò chuyện với nhau, nhiều cảnh sát cũng có mặt trong phòng và họ muốn chắc chắn rằng Im Qan Ho quả thực là thân nhân của tôi. Một vài câu hỏi về tung tích gia đình chúng tôi được đặt ra, nhưng tôi chả cần một bằng cứ nào khác nữa, Qan Ho giống hệt bác Qan Shik của tôi!

Khi đã xong các thủ tục hình thức, tôi chạy đến và ôm chặt ông.

Ông, sao ông lại tìm cháu? – tôi khóc nức nở. – Ông biết là lẽ ra, ông không cần phải thế mà. Ông sẽ bị dư luận xì xào, sao ông lại làm thế?

Ông đang rơi nước mắt, nhưng rồi bật cười khi nghe tôi hỏi.

Làm sao ông làm khác được?

Chúng tôi được đưa sang phòng khác để khỏi bị nhóm ký giả quấy rầy. Qan Ho giới thiệu người chị gái và các con ông, lúc đó đang đứng đấy chờ. Sau khi chào hỏi, chúng tôi ngồi xuống ghế và Qan Ho bắt đầu câu chuyện.

Hyun Hee, ông ngoại cháu là một nhà văn có tiếng, đồng thời cũng là một trong những người khá giả nhất vùng Kaesong. Nhà của ông có tới bảy mươi phòng. Cháu cũng biết đấy, sau chiến tranh, Kaesong bị miền Bắc chiếm và cố nhiên, người ta tước hết tài sản của ông ngoại cháu. Nhưng có mấy người trong gia đình chạy được xuống miền Nam.

Mẹ cháu, vốn là một vũ nữ tuyệt vời, theo học Trường Trung học Houston, là một trường nữ thục Thiên Chúa giáo. Tấm ảnh mà cháu được thấy là do cô Kim Bong Suk, một bạn học cũ của mẹ cháu, còn giữ được.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe chuyện. Cố nhiên tôi hiểu ngay rằng tại sao mẹ tôi lại giấu kín những điều này. Tất cả những gì ông tôi kể, đều là tội lỗi trong mắt chính quyền miền Bắc: Đạo Thiên Chúa, của nả, trốn xuống miền Nam… Nhưng tôi cảm động vì mẹ tôi cũng từng theo Thiên Chúa giáo. Tôi nhớ, hồi còn nhỏ xíu, tôi bị một căn bệnh truyền nhiễm có thể gây liệt ở trẻ em, nhưng rồi kỳ diệu thay, tôi khỏi bệnh. Trong nhiều ngày liền, mẹ tôi đã cầu nguyện:

Đức Chúa trời đã giúp con. Đức Chúa trời đã rủ lòng thương chúng ta!

Chỉ đến giờ tôi mới hiểu bà muốn nói điều gì!

Chúng tôi trò chuyện nhiều giờ liền về cuộc sống của nhau. Ông tôi mừng rỡ khi được tin về cha mẹ tôi và chị em tôi, còn tôi thì hạnh phúc vì tìm được thân nhân tại xứ sở tôi lựa chọn (và cưu mang tôi). Cố nhiên, những bóng mây u ám vẫn bao quanh cuộc hạnh ngộ vì gia đình tôi còn sống ở miền Bắc, trong ách nô dịch của một thể chế độc tài.

Hôm ấy, tôi quyết định sẽ tận dụng sự tự do mà tôi vừa được hưởng cho mục đích cao cả nhất. Ở mọi nơi và vào mọi thời điểm có thể, tôi sẽ lên tiếng vạch trần Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể cho sự nghiệp thống nhất Triều Tiên – nhưng từ một phía khác. Tôi sẽ đi nói chuyện, trả lời phỏng vấn, sẽ vạch trần Triều Tiên và những ông chủ của nó. Tôi đã đi nhiều nước: Nga, Hungary, Ý, Trung Quốc và những nơi khác. Và không ở đâu, tôi thấy người dân cùng khổ như tại Triều Tiên.

Kim Nhật Thành và gia đình ông ta đã dùng bạo lực để chế ngự người dân miền Bắc, tước đoạt của họ nền văn hóa dân tộc, cũng như cơ hội được sống tự do và hạnh phúc. Họ đã chia cắt dân tộc và gây ra những tổn thất không gì bù đắp nổi cho nhân dân. Đây quả thực là một tấn thảm kịch ở mức độ khủng khiếp!

Như vậy, trong ngày hôm ấy, tại Seoul, tôi đã được ngồi bên những người thân bằng xương bằng thịt. Chúng tôi trào nước mắt vì sung sướng và sầu muộn. Bởi lẽ, gặp được nhau, nhưng đại gia đình vẫn chưa toàn vẹn. Chúng tôi không thể ngồi yên, một khi vẫn còn vực thẳm ngăn đôi Bắc và Nam. Chỉ có thể gắng sức và hy vọng, rằng sẽ có một ngày, gia đình chúng tôi – cũng như mọi gia đình Triều Tiên – rốt cục sẽ đoàn tụ bên nhau.

ĐỌC TOÀN BỘ HỒI KÝ TAI ĐÂY

Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Lời nói đầu
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 1 – Phần 1
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 1 – Phần 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 3
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 4 – Phần 1
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 4 – Phần 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 5
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 6
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 7
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 8
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 9
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 10
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 11
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 12
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 13
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 14
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 15
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 16
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 17
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Lời kết