Lời nói đầu – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Huyn Hee

0
3037
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

Lời Nói Đầu

Ngày 26 tháng 4 1989. Seoul, Hàn Quốc.

Tôi ngồi trong căn phòng đợi u uất, xám xịt dành cho các bị cáo, nghẹn thở chờ đợi bản án. Ngoài hành lang dẫn đến phòng xét xử, đám đông giận dữ chen lấn bên cánh cửa, tôi sợ họ sẽ tràn vào phòng. Tiếng gào thét đáng ghét vang lên, dường như cả tòa nhà cũng rung động trước những lời nguyền rủa.

Sát nhân, sát nhân, sát nhân…

Tôi chắp hai tay, toàn thân run rẩy. Những lời hò hét ấy dành cho tôi.

Không. Người ta hò hét với tôi.

Trong khi run lên vì những lời kêu la, tôi lại nghĩ đến các vụ án xét xử những kẻ phản bội ở Tòa án Nhân dân ngay sau khi nước Triều Tiên vừa thoát khỏi ách thống trị của Nhật. Giờ đây tôi mới hiểu bầu không khí hồi ấy cũng kinh hoàng biết nhường nào đối với những kẻ bị xét xử.

Mặc dù trong phòng còn có những người khác – một bác sĩ, một nữ y tá và ba điệp viên đặc biệt, hầu như sống cùng tôi trong những năm trở lại đây, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô độc hơn lúc này. Cho dù tôi cảm thấy những con người ấy rất gần gũi với tôi và họ cũng cảm thấy như vậy, điều này không quan trọng; tôi chờ đợi bản án, chứ không phải họ. Trong giây phút đó, tôi vô cùng ghen tị vẻ hồn nhiên của họ, tương lai của họ và một nỗi buồn ghê gớm xé lòng tôi.

Để tự an ủi, tôi cố gắng nhắc lại những dòng “Thánh Kinh” mà trước đây cha tuyên úy đã viết cho tôi, nhưng rồi cánh cửa bật mở và bốn cảnh sát bước vào trong bộ quân phục được hồ cứng, đeo phù hiệu lấp lánh, để đưa tôi vào phòng xử án. Họ bao quanh để bảo vệ tôi, như thế, họ cùng tôi chen chúc qua đám đông nhộn nhạo đang phát khùng. Căn phòng lập tức bùng nổ. Khi đó, lần đầu tiên tôi xuất hiện trước công chúng vì những cuộc xét xử không diễn ra công khai, chỉ đến khi tuyên án người ta mới cho quần chúng vào. Mọi người như một bầy ác thú bị bỏ đói, giận dữ, những lời nhục mạ, nguyền rủa trút như mưa lên đầu tôi. Nếu có thể, họ sẵn sàng xé tôi thành nhiều mảnh.

Con nặc nô khốn nạn! – một phụ nữ đứng tuổi ngồi ở những hàng đầu suýt xoa. – Mày đã sát hại đứa con trai độc nhất của tao. Bây giờ ai là người chăm sóc tao đây?

Tôi cảm thấy thời gian như dừng lại trong quãng đường đến ghế bị cáo và khi rốt cục được ngồi xuống, tôi đã không thể tự chủ nổi. Tim tôi đập loạn xạ, người tôi run lẩy bẩy như cầy sấy. Tôi bật khóc nức nở và thầm thì nhắc đi nhắc lại một từ duy nhất: mẹ, mẹ ơi!

Dù mẹ có hình dung một số phận thế nào đi nữa cho con gái mẹ, chắc hẳn mẹ không nghĩ đến cảnh tượng này. Mẹ đã nuôi dạy tôi với tình cảm trừu mến khôn cùng và sự tận tâm hoàn toàn, và tôi cảm thấy tôi đã phản bội mẹ tôi. Trong khoảng khắc đó, tôi nghĩ đến cảnh mẹ tôi cẩn thận mặc bộ đồng phục nhà trường cho tôi, mẹ đính những ngôi sao chính tay mẹ làm lên áo quần tôi. Giá giờ đây mẹ được thấy tôi, hẳn tim mẹ sẽ ngừng đập.

Nhưng có một điều còn tồi tệ hơn thế nữa. Chẳng những tôi đã phản bội mẹ tôi mà tôi còn phản bội tổ quốc tôi. Chính phủ tôi chắc hẳn sẽ coi lời khai báo của tôi cho chính quyền Hàn Quốc là một sự phản bội đê tiện nhất. Vì hành vi phản bội ấy, chẳng những tôi bị hắt hủi mà gia đình tôi chắc chắn cũng bị giam giữ trong một trại cải tạo lao động kinh khủng nào đó, và họ sẽ phải chịu đựng ở đó đến cuối đời. Tôi đã phá hỏng chẳng những đời tôi, mà cả đời họ nữa.

Bắt đầu những thủ tục hình thức, nhưng tôi không làm sao có thể chú ý đến chúng. Tôi hoàn toàn chắc chắn là người ta sẽ kết án tử hình tôi. Tôi đã làm nổ chuyến bay 858 của Hàng Hàng không Hàn Quốc (Korean Airlines), tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của 115 người. Thật đặc biệt, nhưng cho đến khi tôi chưa bước chân vào căn phòng xử án có bầu không khí sôi động, tôi chưa nhận thức được đày đủ rằng tôi đã làm một việc kinh khủng đến mức nào. Mặc dù tôi đã đặt bom trên máy bay, tôi không nhìn tận mắt vụ nổ cũng như tôi không thấy địa điểm xảy ra tai họa và cho đến giờ, bằng một cách nào đó, tôi vẫn cảm thấy tôi chẳng dính dáng gì đến hành động này, như thế nó đã chẳng xảy ra hoặc tôi cũng không phải chịu trách nhiệm thực sự về điều đó. Nhưng khi nhìn thấy thân nhân những nạn nhân của tôi trong phòng xử án, cuối cùng tôi mới bắt đầu cảm nhận sâu sắc tính rùng rợn trong tội trạng của tôi. Tôi không dám liếc nhìn xuống cử tọa. Bởi lẽ tôi đã phá hỏng cuộc đời họ. Tôi không cảm thấy tôi có đủ nghị lực, đủ dũng cảm để làm điều đó.

Vài người phụ nữ đứng tuổi đã gây cho tôi nỗi dày vò kinh khủng nhất, những người này vẫn bám vào tia hy vọng rằng thực ra tai họa đã không xảy ra, rằng chính phủ Hàn Quốc đang giữ kín các thân nhân của họ ở một nơi nào đó, nhưng họ vẫn sống.

Tôi khóc nức nở. Tôi muốn ôm chầm những con người đó, muốn nói cho họ hay tôi hối hận biết nhường nào vì hành động tôi đã làm.

Chừng hai năm trước, khi bắt đầu được nhận nhiệm vụ, người ta bảo rằng tôi phục vụ tổ quốc tôi ở mức độ cao nhất. Tôi đặt niềm tin vô điều kiện vào Kim Nhật Thành, lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi, vị cứu tinh của Triều Tiên. Bằng hành động của mình, tôi đã không giúp hai nước Triều Tiên thống nhất như các thủ hạ của Kim đã hứa hẹn. Tôi cũng không trở thành anh hùng dân tộc như người ta hằng cám dỗ. Thực chất, tôi không còn là con người mà là một thứ quái vật vô giá trị, đáng khinh bỉ.

Đột nhiên tôi nhận ra mình vẫn nắm trong tay mẩu giấy mà cha tuyên úy đã chép trích đoạn “Thánh Kinh” cho tôi. Tôi không thể đọc được vì mắt nhòa lệ, nhưng tôi nhớ đại khái về nó:

Đừng sợ, vì ta ở bên ngươi;

Đừng tuyệt vọng, vì ta là Thượng đế của ngươi.

Ta khiến ngươi thêm nghị lực và ta giúp đỡ ngươi;

Bằng đôi tay, ta nâng ngươi lên.

Nhưng những lời lẽ đó cũng không an ủi được tôi. Tôi không thể tin rằng có một vị Thượng đế nào – dù đó là Thượng đế nhân từ nhất – lại có thể tha thứ cho những gì tôi đã làm.

Trong những tháng dài bị giam giữ, niềm an ủi duy nhất của tôi là chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ cho phép tôi được chết. Một lần, cái chết đã lẩn tránh tôi: đó là khi tôi bị bắt ở sân bay Bahrein cùng Kim Soung Il, đồng đội khủng bố của tôi: theo lệnh, cả hai chúng tôi đều tìm cách tự vẫn bằng ống thuốc đựng chất độc giấu trong điếu thuốc lá. Kim đã thành công, ông chết ngay lập tức, nhưng không hiểu sao tôi thoát chết để rồi phải chịu đựng một mình nỗi đau đớn và ý thức tội lỗi bởi cảnh tượng đau buồn do hành động của tôi gây ra. Đồng thời, vì là người trẻ hơn, tôi cũng cảm thấy tôi phải sống thêm một thời gian và phải chịu đựng, đó là hình phạt xứng đáng đối với tôi.

Bỗng nhiên người ta yêu cầu tôi đứng dậy. Tôi hiểu là đã đến lúc bản án được tuyên bố. Vị thẩm phán hỏi tôi có muốn nói gì trước khi tuyên án. Tôi cố gắng lấy hết sức lực và cuối cùng, khó khăn lắm tôi mới lý nhí được những lời cụt lủn như sau:

Giờ đây tôi đã hiểu được mức độ trầm trọng của hành vi tội lỗi do tôi gây ra. Tôi biết ơn rằng tôi đã có dịp nói lên sự thật và nhận biết sự thật. Tôi chỉ còn cảm thấy căm thù Kim Nhật Thành và tôi cũng không coi mình xứng đáng để xin bà con họ hàng các nạn nhân hãy tha thứ cho tôi.

Tôi im lặng vì tôi phải lấy hết can đảm để dám cất lời xin ân xá. Bởi lẽ, mặc dù tôi biết tôi đáng nhận cái chết và qua nhiều tháng trời ròng rã, gần như tôi mong mỏi được chết, nhưng đến giờ, khi tôi đã rất gần cái chết, khi cái chết đã có vẻ rất hiện thực, tôi lại kinh hoàng vì nó. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể buông ra được một lời van vỉ. Tôi câm lặng vì tôi hiểu rõ sống sót còn tồi tệ hơn chết và cầu khẩn xin khoan hồng là một điều thảm hại và nhục nhã. Vậy mà, tận sâu thẳm tiềm thức tôi vẫn có một cái gì đó lên tiếng, thúc đẩy tôi nói. Đột ngột tôi có một cảm giác đặc biệt, rằng tôi còn phải làm một việc gì đó, tôi phải sám hối một cách nào đó. Tôi phải sống sót vì tôi còn…

Nhưng vị thẩm phán đã tiếp tục đọc liến thoắng bản án vì ông coi sự im lặng của tôi là dứt khoát và đột nhiên, tôi chỉ còn nghe thấy:

Sau khi nhận được lệnh phải đặt bom làm nổ nổ chuyến bay 858 của Hãng Hàng không Hàn Quốc do chính Kim Chính Nhật – con trai Kim Nhật Thành – đưa ra, và bị cáo đã thực hiện chỉ thị đó… Để biểu lộ mong muốn chặn đứng tất cả mọi người trước những hành vi tương tự, tòa án quyết định hình phạt nặng nề nhất. Và bây giờ, tôi tuyên án tử hình.

Đám đông òa lên ầm ĩ. Mặc dù đã tính đến bản án này, đột nhiên tôi thấy chóng mặt và đau nhói ở vùng dạ dày. Máu đông lại trong huyết quản tôi, tôi đờ người trong một khoảng khắc, nước mắt giàn dụa.

Vĩnh biệt cha mẹ, vĩnh biệt các em Hyun Ok và Hyun So, con không bao giờ còn nữa với cha mẹ, với các em.

Tôi được đưa khỏi phòng xét xử. May mà tôi đã bị chấn động đến mức những lời sỉ nhục và nguyền rủa rơi lả tả khỏi người tôi. Trên chiếc xe buýt nhà tù, một ước vọng mãnh liệt – được gặp lại gia đình một lần cuối – tràn ngập lòng tôi, dù tôi biết đó chỉ là một mộng tưởng hão huyền. Tôi nghĩ đến đứa em trai tinh nghịch và cô em gái tuyệt vời của tôi, và tôi cầu nguyện các em ít nhất cũng giữ mình hơn tôi, chúng đừng phải chịu một số phận như tôi. Và tôi lại nghĩ đến việc chính phủ Triều Tiên sẽ đối xử tàn ác như thế nào với họ. Độc lập với chuyện gia đình tôi hoàn toàn không biết gì về nhiệm vụ của tôi (thậm chí họ còn chẳng biết tôi đã trở thành một nữ gián điệp), họ cũng sẽ phải trả một cái giá khủng khiếp vì lời khai báo của tôi, vì tôi đã phản bội tổ quốc.

Tôi đau khổ. Tôi chỉ có thể làm một việc. Tôi đếm. Tôi tính từng ngày cho đến khi bị tử hình.