Home Thông tin Chính trị Chương 14 – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên...

Chương 14 – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Hyun Hee

0
3392

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Tôi đã chịu thua cuộc.

Hai tuần liền, tôi chịu đựng những cuộc hỏi cung bất tận ở Bahrain, và còn tàn nhẫn hơn thế nữa trong tám ngày sau ở Seoul. Tôi tập trung hết trí óc và dối trá để trung thành với lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi. Và tôi phải nói dối để che lấp những sự dối trá khác. Nhất là, tôi đã nói dối để cứu vãn gia đình tôi khỏi kết cục không thể tránh khỏi đang chờ họ.

Nhưng tất cả đã kết thúc. Tôi không còn chống cự nổi nữa. Các điệp viên Hàn Quốc đã chiến thắng! Không phải bằng vũ lực như tôi từng tính đến, mà bằng sự kiên nhẫn và tỉnh táo vô hạn. Tôi bảo họ rằng tôi là một cô gái người Hoa mồ côi. Rằng ông bác Hachiya Shinchi tốt bụng đã nhận tôi làm con nuôi một cách không chính thức, và hai chúng tôi du ngoạn khắp châu Âu. Nhưng tôi đã không đánh lừa được họ. Ngay từ khi chưa khai báo, họ đã biết tôi là gián điệp Triều Tiên. Họ cũng biết tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của 115 con người vô tội và vì thế, sẽ không bao giờ tôi được tha thứ.

Đúng vậy, họ đã thắng. Và cuối cùng, thành phố Seoul đã hoàn toàn khiến mọi sự kháng cự của tôi tan tành. Tôi được nuôi dạy với suy nghĩ rằng dân Hàn Quốc là thứ bù nhìn khốn cùng, là nô lệ cho thể chế tư bản không kìm hãm. Và khi mới đặt chân tới Seoul, tôi cố tìm cách tin tưởng một cách mù quáng vào những gì được dạy dỗ.

Nhưng, tôi đã phục sinh! Đứa trẻ trưởng thành như một đệ tử của Kim Nhật Thành, đã chết ở phi trường Bahrain. Dần dà, từng bước, một con người khác đã thay thế nó. Và trước hết, Seoul là cái nôi của đứa trẻ này.

Trước ngày tôi khai báo, những nhân viên hỏi cung tôi cho biết hôm ấy, sẽ không có thẩm vấn: họ đưa tôi đi dạo và ngắm thành phố.

Tôi được nhận một bộ vét hai phần màu đen. Mặc nó vào, tôi có cảm tưởng mình như một cô trò nhỏ lần đầu tới trường và tôi không hiểu người ta tử tế với tôi như thế làm gì.

Khi ra khỏi căn cứ cảnh sát, chúng tôi đi lên một quả đồi. Cỏ cây đều thân thuộc với tôi, những vách đá hoa cương, đất đỏ… tất cả đều thật hài hòa. Trên đầu tôi là bầu trời xanh đậm với những áng mây hệt như bầu trời của chúng tôi ở Bình Nhưỡng. Nhưng khi đó chúng tôi lên tới đỉnh đồi và trung tâm Seoul tọa lạc ở phía dưới như một điều kỳ diệu thực sự! Tôi không còn cảm thấy tôi ở trên xứ Hàn đã quá quen thuộc.

Trên những con lộ rộng rãi, xe hơi chạy như mắc cửi. Ngay ở Tây Âu tôi cũng không thấy có lắm xe như ở đây. Tôi sững sờ nhìn các tài xế: họ đều là dân Hàn, không phải người ngoại quốc.

Một phút liền, tôi không nói nên lời. Cảnh tượng này khác hẳn những gì tôi hình dung, khiến tôi không biết nói sao.

Không thể tin được! – rốt cục, tôi cũng thì thầm.

Một điệp viên chỉ làn xe đang chạy.

Tất cả những xe hơi này đều sản xuất tại Hàn Quốc – anh ta nói. – Thời nay, đa số các gia đình đều có xe rồi. Người ta hay nói rằng đến ăn mày cũng đi xe hơi để xin tiền. Tất nhiên, như thế thì hay tắc đường và khó tìm chỗ đậu xe. Đây là những vấn đề xã hội nan giải.

Chiếc xe chúng tôi len lỏi giữa biết bao xe cộ. Tôi vừa kịp hiểu nội dung câu nói cuối cùng của người điệp viên, nhưng những câu trước đó cũng ăn sâu vào óc tôi. Ở Triều Tiên, chỉ các cán bộ đảng cao cấp và các bộ trưởng mới được đi xe; chúng tôi, lũ học sinh, luôn phải cúi đầu chào mỗi khi xe họ đi ngang qua. Đối với giới trẻ, đặc biệt là con trai, thì nghề lái xe là được chuộng nhất. Phụ nữ chả bao giờ dám mơ đến lái xe. Lái tàu cần thì may ra, nhưng không thể hơn thế!

Còn ở Seoul, tôi thấy có nhiều phụ nữ lái xe. Cảnh ấy hấp dẫn tôi đến mức tôi cứ dựa đầu vào cửa xe và ngắm nhìn…

Chúng tôi đi ngang qua cửa quan, tôi được thấy tòa thị chính, khu nhà của chính phủ, Làng Thế vận hội và trung tâm thương mại. Cách cư xử tự nhiên của người dân, gương mặt tươi tắn biểu cảm cũng như trang phục màu sắc của họ đã rất hấp dẫn tôi.

Nhưng, những người bán hàng ven đường lại khiến tôi sững sờ nhất. Ở miền Bắc, người ta bảo chúng tôi rằng tại Hàn Quốc, dân bán rong ở vệ đường là những kẻ cực khổ nhất. Có điều, những gì họ bán không hề là thứ hàng tồi: tôi được thấy ở đây đồng hồ đeo tay loại đắt tiền, những dụng cụ chất lượng tuyệt hảo, quần áo và giày dép lịch sự. Không thể tưởng tượng ra tất cả những mặt hàng này ở Triều Tiên, nơi mà muốn mua một chiếc đồng hồ đeo tay, một gia đình phải nhịn ăn nhịn thở suốt dăm bảy tháng liền! Tôi mới nghĩ rằng những người bán hàng này phải kiếm được bạc triệu, làm gì có chuyện họ nghèo khó?

Khi trời sẩm tối, chúng tôi lên đỉnh Nam Sơn (Namsan) để tôi được chiêm ngưỡng ánh đèn thành phố phía dưới. Tuyệt vời đến mức tôi đã yêu đô thị này ngay lập tức!

Khi đồng ý đi thăm thú Seoul, tôi đã phạm phải sai lầm cuối cùng, nhưng đây đồng thời cũng là sự giải phóng đối với tôi. Những người bắt giữ tôi hẳn đã đoán trước được tác động của ngày hôm ấy đến tôi. Tôi không làm sao thoát khỏi cái cảm giác hai mươi sáu năm đầu của đời tôi chỉ là sự lừa dối!

Đột ngột, tôi thấy căm thù Kim Nhật Thành trong lòng, khi tôi hiểu trong một khoảnh khắc, rằng tất cả nhiệm vụ của tôi, mọi kế hoạch và sự học hỏi của tôi, và quả thực là cả cuộc đời tôi đều dựa trên những sự dối trá…

Sáng hôm sau, tôi lại ngồi bên chiếc bàn làm việc của người điệp viên trước đây hai ngày từng cho tôi một bài học. Ông ta lịch thiệp hỏi tôi: tôi có thích chuyến đi “dã ngoại” hôm trước không, và ông mỉm cười khi tôi lúng túng không biết trả lời ra sao.

Tôi sẽ vạch trần từng lời khai dối trá của cô. Hãy để ý những lời tôi nói, hãy suy nghĩ và chớ nói dối nữa. Chỉ có một sự thật duy nhất và chúng tôi biết sự thật ấy. Cô hiểu không?

Ông ta ngừng lại, châm thuốc rồi nói tiếp.

Cô hoàn toàn không phải người Hoa? Vì sao ư? Cô bảo cô sống ở Vuchang 15 năm, nhưng làm gì có địa danh nào là Vuchang, chỉ có Vuchang-hsien thôi. Và nếu quả thực cô trưởng thành ở miền Bắc Trung Quốc như cô khẳng định, ắt cô phải biết là từ tungsu (trưởng thành) chỉ dùng ở miền Nam. Nhưng cô lại hay dùng từ này. Cô hay gọi cháo ngũ cốc là vuyimei, cho dù từ này cũng chỉ được dùng ở miền Nam. Miền bắc gọi nó là paomei, nhưng cô lại không dùng từ này bao giờ.

Cô còn kể rằng cô là một đứa trẻ mồ côi lang thang, và đa phần chỉ có bánh mỳ hoppang để ăn. Có điều, loại bánh mỳ này chỉ là món ăn của nhà giàu. Và khi cô thuật lại rằng bà dì của cô bán rong báo và bánh bột mỳ trên đường phố Vuchang, hắn cô không biết rằng ở tỉnh này, người ta không bán báo ngoài phố.

Ông ta lại ngừng đôi chút để tôi có thời gian “tiêu hóa”.

Nhưng còn nhiều mâu thuẫn khác – ông ta nói tiếp. – Tất cả đều chứng tỏ một điều duy nhất: cô không phải người Hoa. Thành thử, chớ cố đấm ăn xôi làm gì!

Rồi ông ta lại châm thuốc, nhưng không rời mắt khỏi tôi. Thổi khói thuốc, ông tiếp tục.

Cô bảo rằng cô sống tại Nhật một năm với ông Hachiya. Nhưng khi được ăn món rong biển nướng, quốc hồn quốc túy của Nhật, cô còn giễu cợt hỏi rằng, không lẽ cô phải ăn giấy cháy? – Cô còn nhớ cô vẽ ngôi nhà ở Nhật của ông Shinichi như thế nào chứ? Cái hình vẽ ấy chẳng hề giống nhà cửa bên Nhật, mà phố xá cô vẽ cũng đâu có giống phố xá Nhật?

Cô khẳng định là cô hay xem TV, nhưng khi chúng tôi hỏi ông Shinichi có TV mác gì, cô bảo “Azalea”. Vô tình, Azalea là một nhãn hiệu TV của Triều Tiên, hẳn cô cũng biết điều này trong lòng. Hơn nữa, dạo đó, khi cô ở Nhật (như lời cô nói), vô tuyến truyền trực tiếp Á vận hội tại Seoul, nhưng cô cũng không biết nước nào thắng cuộc.

Cô nói trong xe taxi của Nhật, chỗ ngồi của tài xế là ở bên trái, nhưng kỳ thực nó ở bên phải. Cuối cùng, nếu quả thực ngày 14 – 11, cô và Shinichi rời Nhật Bản, cô phải biết rằng thủ tướng đã bị bãi chức. Nhưng thay vì Takeshita, cô vẫn nghĩ Nakasone là thủ tướng. Đây là một sai lầm lớn.

Sau tất cả những khẳng định mâu thuẫn này – ông dụi điếu thuốc – và tôi có thể bảo đảm rằng còn nhiều mâu thuẫn hơn thế nhiều, cô có còn dám khai rằng cô đã từng sống ở Nhật?

Tôi cảm giác như đang có sợi dây thòng lọng thắt ở cổ. Không sao dối trá được nữa, tôi đành cúi đầu. Nhưng người hỏi cung tôi vẫn chưa ngừng.

Cô bảo rằng cô không hiểu tiếng Hàn. Nhưng khi nhận thấy trong các buổi khảo cung, cô hay gõ gõ ngón tay, chúng tôi đã nói bằng tiếng Hàn: “Gõ ngón tay như thế là lo lắng lắm đấy”. Lập tức cô ngừng, không gõ nữa. Nếu chúng tôi bảo nhau bằng tiếng Hàn: “Mình để ý xem, cô ta lại nói dối đấy”, thế là cô lại càng tìm cách thuyết phục chúng tôi rằng cô khai thực. Và khi chúng tôi kể chuyện tiếu lâm tiếng Hàn, cô đã phải chạy vào buồng tắm để khỏi bật cười trước chúng tôi.

Rồi đến thử thách cuối cùng. Gương mặt ông ta đanh lại, ông cúi đầu và nhìn thẳng vào mắt tôi.

Khi tôi đưa vào tay cô tờ giấy có dòng chữ tiếng Hàn “Cô là gián điệp Triều Tiên”, tức thì cô lộ rõ vẻ sợ hãi trên mặt. Có cần tôi nói tiếp không?

Tôi cảm thấy như mình dần dần bị lột quần áo. Không, không cần nữa, tôi nghe đủ lắm rồi! Tôi hổ thẹn và cảm thấy vừa giận dữ, vừa bị hạ nhục, vừa phát khùng… tóm lại tôi đã thất bại hoàn toàn và tôi biết, tôi không còn thể cưỡng lại được nữa.

Nhưng nếu khai ra điều bí mật thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi, vì là kẻ sát nhân, sẽ phải chết. Thế còn gia đình tôi? Tôi nhớ lại về Ku Yahyung, một cô bạn học cùng lớp hồi trung học; gia đình có có một chiếc vô tuyến đen trắng và hầu như bao giờ cũng có kẹo. Nhiều lần tôi ở nhà cô suốt tối vì chúng tôi được xem TV và giữa chừng thì ngậm kẹo. Các em trai của cô bạn ấy đều học rất giỏi và là lãnh đạo thanh niên tại trường của họ.

Một ngày nọ năm 1974, Ku Yahyang không tới trường. Người ta đồn đại là một cậu em trai đã báo cho Cục An ninh Quốc gia biết, mẹ cậu là gián điệp. Một cuộc điều tra được tiến hành và dẫn đến kết quả là cha mẹ bọn trẻ và một người bác của chúng cũng là gián điệp. Chẳng mấy chốc, cả nhà bị đưa đi trại tập trung, nhưng hàng xóm cũng phát hoảng và lo ngại là họ cũng sẽ bị bắt bớ vì tội có quan hệ với gia đình này.

Tôi có được nghe về những trại tập trung: lao động khổ sai ngày nọ sang ngày kia, năm nọ sang năm kia. Tôi không muốn cha mẹ và các em tôi cũng chịu số phận như thế.

Ở Triều Tiên, nếu chồng uống rượu, người vợ không lo lắng cho sức khỏe chồng như tại các quốc gia khác. Sợ nhất là anh chồng say xỉn và nói ra điều gì ngu xuẩn để những kẻ khác có thể tố giác. Chỉ một lời tệ hại duy nhất cũng đủ làm tan nát một gia đình!

Cuộc sống ở Triều Tiên là như thế, thành thử nếu tôi khai, nhãn tiền là gia đình tôi sẽ phải chịu hậu quả thế nào. Tôi hình dung trước mắt cảnh mật vụ đến bắt cha mẹ tôi, Hyun-so và Hyun-ok.

Những nỗi nghi ngại cứ dày vò tôi. Quả thực nhiệm vụ của tôi có nghĩa lý gì không? Quả thực hành động tội lỗi của tôi và cái chết của vô số mạng người do nó gây ra có góp phần cho sự nghiệp thống nhất hai miền? Có phải cho dù Seoul không được tổ chức Thế vận hội di nữa, thì Triều Tiên cũng vẫn bị chia cắt? Và thử hỏi, làm nổ một chuyến bay duy nhất là đủ để ngăn chặn kỳ Olympic này?

Dần dần tôi hiểu được rằng nếu một người không bị thần kinh, thì phải biết ai thực sự có lý trong những câu hỏi trên…

Từ điểm ấy, chỉ còn một điều duy nhất ngăn tôi khai tất cả, đó là số phận gia đình tôi. Nếu tôi im lặng cho đến chết, gia đình tôi có thể sống trong danh dự. Bằng không…

Nhưng phải chăng họ có thể được sống yên ổn? Dù tôi khai hay không, người Hàn Quốc cũng đã biết khá nhiều, tự họ cũng đã có thể lắp ghép được phần còn lại của câu chuyện. Tôi sẽ không thể mặc cả được với họ: họ sẽ không chịu lặng lẽ tử hình tôi để gia đình tôi khỏi bị hành hạ: thế nào họ cũng sẽ làm ầm mọi chuyện lên khi nào họ muốn.

Và, còn một điều nữa khiến tôi đau khổ. Tôi có nợ gia đình các nạn nhân một lời khai này không? Tôi có cần phải thú nhận những hành động kinh tởm của tôi, hoàn toàn chân thành và hối lỗi, để đừng bị họ coi là loài quỷ dữ? Vâng, những con người ấy đáng được hưởng điều đó!

Tôi ngẩng lên nhìn người nhân viên hỏi cung. Chầm chậm, tôi ép mình phải mở miệng.

Xin lỗi ông, tôi thật tiếc vì những gì đã xảy ra. Và tôi sẽ khai tất cả với ông!

error: Muốn copy thông tin từ website này, vui lòng liên hệ và xin phép facebook Hàn Quốc Ngày Nay!!!