Chương 15 – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Hyun Hee

0
3896
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

CHƯƠNG MƯỜI LĂM

Tôi cảm thấy mình trống rỗng!

Sau khi khai, tôi chỉ nằm, đầu óc đờ đẫn. Tôi tê liệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Với những gì đã khai, tôi như trút được gánh nặng ghê gớm trên vai, nhưng giờ đây tôi lơ lửng trong chân không và không tìm được nơi bấu víu. Nửa tỉnh nửa mê, tôi uể oải và chán nản. Tôi đã tính rằng tôi chẳng còn được sống bao lâu nữa, nhưng điều đó cũng không khiến tôi tỉnh táo hơn. Tôi không cảm thấy và không quan tâm đến bất cứ điều gì xảy ra với tôi.

Tôi đã khai một mạch, tất cả, trong tám tiếng ròng rã. Hầu như người ta đã biết hết về tôi. Nhìn đồng hồ của người nhân viên hỏi cung, tôi biết rằng tôi đã khai liền tới tận 3 giờ sáng. Giờ đây, bầu không khí trong phòng đã dễ chịu hơn rất nhiều và tôi thoải mái vì cuối cùng cũng được nói tiếng Hàn. Có điều niềm vui này thật hời hợt vì có một giọng thì thầm vào tai tôi: thế này, tôi và gia đình hết đời!

Hai ngày sau khi cung khai, tôi mới hơi cảm thấy trở lại bình thường. Các nhân viên hỏi cung đóng vai trò lớn trong điều này. Họ trò chuyện với tôi, chúng tôi kể cho nhau nghe những nhìn nhận về cuộc đời từng người. Điệp viên điển trai hỏi cung tôi bằng tiếng Trung tên là Nak Yong và cùng ông là một thanh niên tên là Sengju. Còn cô nữ điệp viên xinh đẹp thì tên là Li Ok.

Seoul đã chiến thắng, nhưng trong tôi vẫn còn chút hồ nghi. Tôi đã thấy nhiều nhà cửa tuyệt đẹp, nhiều thứ khiến tôi có thể suy ra là niềm hạnh phúc ở đâu đây. Nhưng thực sự người Seoul thế nào? Phải chăng họ sống hạnh phúc sau những tòa nhà mỹ lệ và những hàng hóa đắt đỏ?

Trong hôm ấy, tôi hỏi Li Ok:

Tôi có thể được thấy thường dân ở đây sống ra sao không?

Trong các chuyến sang châu Âu, tôi không thể có được cái nhìn toàn diện về đời sống tại đó. Trước khi lên đường, các điệp viên được chỉ thị rằng họ chỉ được trò chuyện với người lạ nếu nhất thiết phải như thế.

Gánh nặng của nhiệm vụ luôn đè nặng lên vai chúng tôi, không thể thực sự cảm nhận những xứ sở mà chúng tôi đã qua. Giờ đây, tôi muốn làm điều này ở Seoul. Trước đây, tôi chỉ nhận định một quốc gia trên cơ sở những quan sát hời hợt. Nếu tôi ra chợ và thấy hàng hóa đầy rẫy, tôi lập tức rút ra kết luận rằng dân ở đó sống phong lưu hơn tại Triều Tiên. Nếu thấy nhiều quán rượu và những nơi tiêu khiển mở đêm, lập tức tôi nhận định là xứ sở ấy đồi bại và vô đạo đức. Còn nếu hễ cứ thấy người hành khất ngoài đường, tôi nghĩ ngay rằng đất nước đó nghèo khổ cùng cực, vì không có khả năng chu cấp cho công dân của họ.

Quá trình chuẩn bị chỉ kéo dài vài phút. Li Ok hỏi: Có cái gì mà cô nhất thiết muốn xem hay không?

Không… không nhất thiết… – tôi đáp. – Cứ cho tôi đi đâu cũng được. Đến chỗ nào mà… đặc trưng cho Seoul ấy.

Ra ngoài phố, Li Ok đi cạnh tôi, còn Nak Yong đi sau và Sengju đi trước tôi. Tôi được nhận 25 ngàn Won (tương đương 20 USD) để tiêu và tôi cảm thấy đó là một khoản tiền thật lớn.

Chúng tôi đi lòng vòng trên những con phố nhỏ và chật chội ở quận Myongjong. Chả mấy chốc, tôi thấy một cửa hàng tên là Lotte và được giải thích rằng nó được đặt theo tên một thi hào Đức là Goethe. Chúng tôi vào cửa hàng. Tôi tò mò muốn biết người ta có bán đồ ngoại ở đây không. Tất cả mọi mặt hàng đều có chất lượng tuyệt hảo, nhưng đều có tên nước ngoài, và tôi đã nhắc điều này cho Li Ok.

Không, các sản phẩm này đều làm ở Hàn Quốc cả – cô ta đáp. – Nhưng đa số được xuất khẩu ra ngoại quốc, vì vậy chúng mang tên ngoại. Nhưng sao cô không mua một cái gì đó?

Hơi rụt rè, tôi đến quầy bán mỹ phẩm. Cô bán hàng tại đó rất thân thiện, tôi chưa hề được thấy thái độ ấy bao giờ. Ở miền Bắc, người bán hàng thường cục cằn vì đằng nào cũng chả có gì để bán. Ở đây, dân chúng thực sự rất sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Có thể giúp gì chị không ạ? – cô bán hàng hỏi.

Tôi chỉ một hộp kem bôi mặt, cố gắng để khỏi bị ấp úng.

Đây là hàng nhập ngoại?

Cô bán hàng đưa tôi xem hộp kem.

Không, đây là sản phẩm của hãng Lucky của Seoul. Chỉ 6.500 Won thôi.

Tôi cứ nghĩ là hộp kem phải đắt đỏ lắm và rất vui vì có đủ tiền để mua được nó. Tôi không thể ước chừng được sức mua của số tiền tôi đang có, nhưng tôi cảm thấy các điệp viên đã cho tôi quá nhiều tiền. Nhưng vì rụt rè, cuối cùng tôi lại không mua kem. Thật khó làm quen với bầu không khí tự do và nhẹ nhõm này.

Li Ok mua cho một một khăn quàng cổ. Quá nhiều hàng hóa nên tôi lại đâm mất tinh thần và không dám mua gì cho mình. Rồi chúng tôi đi tiếp. Đường phố đông nghịt, nhưng dễ thấy là cư dân ở đây không vội vã. Từng nhóm nam, nữ vãng lai cười nói vui vẻ. Chúng tôi thấy một người mặc đồng phục kỳ quặc; tôi nghĩ anh ta đi ăn xin nhưng Li Ok giải thích rằng đó là một thành viên Đạo quân Hồng phúc, chuyên đi quyên góp giúp người nghèo.

Sắp tới Giáng sinh rồi – Li Ok động viên tôi cũng cho anh ta một chút. – Những dịp thế này nên tỏ ra hào phóng.

Tâm trạng hào hứng của mọi người cũng lan sang tôi, nhưng tôi vẫn thấy bối rối. Miền Bắc không kỷ niệm Giáng sinh và đại đa số các gia đình còn chưa nghe về nó. Tại sao miền Nam có phải là một nước phương Tây đâu mà lại ăn mừng Noel? Cố nhiên, hẳn là vì cư dân ở đây là bù nhìn của đế quốc Mỹ. Nhưng mà, tôi thấy ai nấy đều hạnh phúc thực sự. Họ mua, mang vác quà cáp, có người còn hát “Thánh ca”. Bất chợt tôi thấy buồn vì cảm giác bị ra rìa.

Tôi bất ngờ khi thấy các chủ hiệu ra ngoài phố, đứng trước cửa hàng của họ và mời chào khách. Phải mất thời gian, tôi mới hiểu rằng ở đây, cạnh tranh là động lực thúc đẩy thương mại, vì thế Seoul mới phát triển đến vậy.

Tôi đói rồi – tôi bảo mọi người. – Mình có thể ăn cái gì không?

Tất nhiên rồi – Li Ok đáp. Cô dẫn chúng tôi vào một khu phố nhỏ, chi chít hàng quán. Những món ăn bày trong tủ kính thật ngon lành: cơm nướng, tempura, giò thủ, dồi, và cả món ăn chop-chiao của Triều Tiên làm từ mỳ, các loại rau xanh và thịt – tôi chợt nhận ra là từ mười năm nay, ở miền Bắc không hề có giò thủ. Và rằng mẹ tôi đã mừng rỡ biết chừng nào khi có bận bà mua được một trái dưa hấu đã thối đến một nửa…

Giá tôi đưa được gia đình sang đây… Khi trước mặt tôi có bao nhiêu đồ ăn thức uống thế này, thật đau lòng khi nghĩ đến những khó khăn mà cha mẹ, các em tôi phải chịu đựng.

Cô muốn ăn gì? – Li Ok hỏi tôi. – Chúng ta có thể vào bất cứ hiệu nào mà cô muốn.

Tôi rất mê món dồi nên tôi chỉ một tiệm ăn nhỏ là dồi là món đặc sản của họ. Quán ăn này chật những khách là khách và đa số đều nhâm nhi sojut, loại rượu mạnh làm từ gạo của Triều Tiên. Chúng tôi đặt món rồi ngồi xuống bàn. Cạnh chúng tôi, vài thương gia trung niên đang tranh luận về kỳ bầu cử gần nhất.

Chúng ta không thể chỉ bắt lỗi chính phủ – một người nói. – Không thể chờ đợi gì nhiều, nếu ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân.

Theo tôi, nếu các đảng nhỏ liên minh với nhau thì họ đã có thể thắng trong kỳ bầu cử vừa rồi…

Tôi nhìn sang những người đang canh giữ tôi, chờ xem bao giờ mấy vị kia bị bắt vì họ dám công khai phê phán chính phủ. Có điều, các điệp viên, nếu có nghe thấy cuộc tranh luận đi nữa, cũng không có vẻ gì là quan tâm cả. Họ ăn uống khoái khẩu, chả để ý gì đến những việc khác.

Trên đường trở về Nam Sơn, càng ngày tôi càng thấy mất bình tĩnh; rồi tôi phải lên tiếng hỏi các điệp viên rằng tạo sao ở đây cư dân lại có thể phê bình chính phủ thẳng thừng như thế. Họ phá lên cười.

Đây là một xứ dân chủ – Li Ok giải thích cho tôi, sau khi đã nhịn được cười. – Ở đây có tự do ngôn luận. Không luật nào cấm chúng tôi phê bình chính phủ cả.

Không thể hiểu nổi – tôi nói, vì câu trả lời của Li Ok không làm tôi thỏa mãn. – Tôi chỉ ngạc nhiên rằng ở đất nước này, như thế mà vẫn có thể làm được bất cứ cái gì. Nhưng tôi cũng nhận ra thêm vài điều khác nữa. Khi đi ngang qua một công trường xây dựng, tôi thấy rất ít công nhân. Họ đi đâu hết rồi? Hay họ làm việc buổi tối?

Tại sao vậy? – Nak Yong ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi –, thế ở miền Bắc người ta xây dựng như thế nào?

Tất cả đều được huy động – tôi đáp. – Bộ đội, thanh thiếu niên ở độ tuổi đến trường và thành viên các hội đồng nhân dân, tất cả cùng nhau đào đất, trộn xi – măng, khuân vác gạch, rất nhịp nhàng. – Tôi tự hào kể, tôi luôn thấy dễ chịu nếu được tham gia xây dựng một tòa nhà và những lúc ấy, người dân Triều Tiên làm việc rất cần mẫn.

Tôi hiểu rồi – Nak Yong đáp. – Ở đây thì không có chuyện ấy. Đại đa số công việc đều do máy thực hiện hết.

Khi đó, tôi mới hiểu được rằng sự phát triển kỹ thuật của đất nước này đã ở mức mà tôi không thể mường tượng nổi. Như thể họ ở một hành tinh khác. Chả hiểu sao miền Bắc chúng tôi lại không hiện đại hóa công nghiệp xây dựng như thế?

Tôi có biết bao điều muốn hỏi. Chỉ không biết được, tôi còn sống ngần ấy thời gian để có được lời đáp cho tất cả những gì tôi muốn?

Vài bữa sau, chúng tôi đi xe ngao du một vùng quê, tới thăm cung Deoksu. Tôi được học là người Mỹ đã hủy diệt hoàn toàn văn hóa Hàn Quốc, nhưng cung điện này chính là một di tích được gìn giữ vô cùng hoàn hảo của nền văn hóa Triều Tiên. Ở đó, tôi được thấy pho tượng vị vua Sejong, người làm ra bảng chữ cái Triều Tiên. Tôi vui vì được ra khỏi bốn bức tường, nhưng từ khi chấp nhận khai báo, nỗi sợ hãi và cảm giác mệt mỏi luôn hành hạ tôi. Vậy mà bức tượng vẫn khiến tôi thích thú vì tôi chả biết gì về lịch sử bảng chữ cái Triều Tiên.

Chúng tôi đi tiếp đến một làng nhỏ, coi bộ cũng không khác gì mấy những làng bản ở miền Bắc, mặc dầu cảnh vật mùa đông khiến nó có vẻ hoang vu.

Đây là Vondang – Li Ok bảo tôi. – Ngày càng nhiều người lao động thích đến đây vì không khí ở đây rất trong lành.

Chúng tôi dừng lại trước một khu lán trại xiêu vẹo. Vườn không có cổng nên chúng tôi đi thẳng tới cửa ra vào để xem có ai trong nhà hay không. Không có ai cả, cứ thế chúng tôi vào nhà. Thật ngạc nhiên là trong nhà có hai tủ lạnh và một điện thoại. Ở miền Bắc, ở làng xã chả bao giờ có tiện nghi như thế.

Khu lán trại hoàn toàn thu hút sự để tâm của những người đi cùng tôi, họ trò chuyện với nhau.

Thú vị thật! – Sengju nói. – Ngay ở đây mà cũng có đầy đủ tiện nghi: điện, tivi. Theo tôi, chỗ này cũng không còn là lán trại thực sự nữa rồi.

Đúng vậy! – Nak Yong đồng tình. – Ở đây cũng chả còn lãng mạn nữa rồi! Ngồi bên bếp lửa và nướng khoai mới thật là sướng.

Các anh có thấy là cửa không khóa? – Li Ok hỏi. – Thử hỏi Seoul có bao nhiêu người không khóa cửa nhà mình?

Chúng tôi ở lại làng một lát rồi trở lại Seoul. Li Ok bảo, hay chúng tôi ra khu chợ ở Cửa quan phía Đông (Dongdaemun). Đây là nơi có nhiều cửa hiệu và tiệm ăn. Chúng tôi vào một cửa hàng dệt may và lập tức, được các cô bán hàng ra mời chào. Họ vui vẻ, ăn mặc quần áo màu sắc và khiến tôi hơi bối rối vì quá tận tình. Rồi một cô nói một câu khiến tôi đứng tim:

Chờ chút nào, cô là Kim Hyun Hee phải không?

Im lặng kéo dài. Tôi chết đứng, trong khi đó mọi khách hàng bao quanh chúng tôi và thì thào.

Là ai vậy?

Kim Hyun Hee. Chị không biết à, cái con làm nổ máy bay ấy!

Đám khách hàng hưng phấn, chen lấn nhau để nhìn rõ tôi. Tức thì, các điệp viên bao quanh tôi và dẫn tôi khỏi cửa hàng trước khi xảy ra rắc rối. Khi ra đến cửa, một cô bán hàng còn nói với theo:

Hyun Hee à, khi nào muốn cô cứ trở lại đây. Tôi sẽ tặng cô một bộ quần áo!

Mặc dầu hoảng sợ, nhưng chưa muốn trở về Nam Sơn nên tôi đề nghị được ở lại chợ một lúc nữa. Vừa đi, tôi vừa hỏi Li Ok:

Chả hiểu sao, tôi chưa thấy có cửa hiệu nào ở đây bán quần áo pha ni-lông. Không có loại hàng ấy à?

Tôi nghĩ rằng Hàn Quốc vẫn chưa đạt đến tầm có thể sản xuất hàng ni-lông, vốn là đồ sang trọng ở Triều Tiên.

Chúng tôi ít dùng đồ pha ni-lông lắm – Li Ok đáp trong khi chúng tôi len lỏi trong đám đông buổi chiều hôm ấy. – Gần đây, người ta phát hiện ra rằng quần áo có ni-lông có hại cho sức khỏe. Chúng tôi thích dùng đồ làm từ vật liệu len hơn, những thứ này ít nhất cũng bền như ni-lông. Ngày nay, ni-lông bị coi là vật liệu chất lượng tồi.

Tôi muốn bật cười mà không được.

Không thể tưởng tượng được! Tất cả mọi thứ đều trái ngược với Triều Tiên. Ở nước tôi, người dân không có điều kiện quan tâm đến sức khỏe của họ. Chúng tôi mà có quần áo ni-lông thì mừng phải biết!

Chúng tôi đến chợ Jungbu, nơi chủ yếu bán cá khô. Cá mực, cá biển, tảo biển… được xếp thành đống tướng. Cuối chợ, có một tiệm ăn ngoài trời với một chiếc bàn dài duy nhất, hai bên có nhiều ghế dài. Tôi tò mò đến gần.

Những ai đến ăn ở đây?

Đa phần là công nhân – Li Ok đáp. – Dân bán hàng rong, công nhân xưởng đóng tàu, tài xế xe tải…, đại loại thế.

Thế thì họ còn ăn sướng hơn gia đình tôi – tôi nhìn qua những món cơm, mỳ, giò thủ và canh mỳ. – Chúng ta có thể ăn ở đây được không?

Li Ok nhìn những người còn lại, ai nấy đều lắc đầu.

Chúng ta mà ăn ở đây thì quá lộ liễu, dễ trở thành đối tượng tấn công. Người ta dễ nhận ra lắm. Tốt nhất là mình đến một tiệm naengmyon đi.

Chúng tôi quay lại bên kia chợ và Li Ok giải thích cho tôi hiểu rằng các tiệm naengmyong (tên một loại mỳ lạnh) nổi tiếng khắp Seoul. Tiệm đầu tiên chúng tôi đến quả thực có lẽ khá nổi tiếng: những chiếc xe đắt tiền nối đuôi nhau trước tiệm và hàng thực khách cũng rồng rắn như vậy. Chúng tôi cũng đứng vào hàng và nhích khá chậm chạp. Một lần nữa, tôi có ấn tượng bởi sự giản dị và nhẹ nhõm của Seoul. Ngược lại, miền Bắc thì rất “vô khuẩn”. Người ít, ô tô hầu như không có, người lạ chả bao giờ bắt chuyện với nhau ngoài phố. Về căn bản, cuộc sống thường nhật rất thiếu sự hóm hỉnh. Nhưng Seoul thì rất sống động và đầy năng lượng.

Vài phút sau, chúng tôi vào được trong tiệm và người giúp việc đưa chúng tôi vào một bàn ở góc. Tôi chỉ còn biết nhìn và ngạc nhiên. Không có chuyện tương tự như thế ở miền Bắc. Tiệm ăn chật ních thực khách, ai nấy trò chuyện vui vẻ, bồi bàn nhanh thoăn thoắt với vô số đĩa thức ăn trên tay. Tất cả chúng tôi đều đặt nangmyon và khi món này được đưa ra, chúng tôi đã “chiếu cố” rất tận tình!

Ở bàn cạnh chúng tôi, một nhóm đàn ông ăn vận sang trọng nói chuyện khá to. Không thể không nghe những gì họ nói, vì vậy trong khi ăn, tôi bất giác để ý câu chuyện của họ.

Các cậu thử nghĩ đến Lee Vungpyong mà xem! – một người bảo. – Hắn giàu sụ chỉ vì đã di tản.

Thực ra thì cái máy bay Liên Xô mà hắn bay sang đây cũng có chút giá trị gì đó chứ. Nhưng đúng là chính phủ có lẽ đã bỏ ra hàng núi tiền cho hội di tản này.

Đã nói đến dân miền Bắc, các cậu thấy ảnh Kim Hyun Hee chưa?

À, ừ. Có thể là loại con gái lăng nhăng hám thực sự đấy, nhìn cái mặt là biết. Hình như cô ta “chơi” ghê lắm, với cả tá đàn ông một lúc.

Sở dĩ lắm người đồng cảm với cô ta vì cô ta thật xinh. Chứ nếu ma chê quỷ hờn, hẳn cô ta bị bắn từ lâu rồi.

Theo các cậu, cô ta còn trinh không?

Giời biết! Xinh thế, tớ cũng thèm!

Tôi đang giơ tay và thức ăn lên miệng, thì bắt đầu run lên vì tức giận. Những sợi mì nhảy nhót một cách nực cười trên đôi đũa tôi đang cầm. Các điệp viên nhận thấy tôi nổi khùng, họ cố gắng trấn an tôi.

Thôi mà, không sao đâu. Lẽ ra mình không nên vào đây – Li OK cố làm tôi dịu đi. – Đi thôi, mình rời đây thôi.

Nhưng không thể dễ dàng khiến tôi nguôi giận. Chầm chậm, tôi đặt đũa xuống bàn và nâng đĩa canh lên. Tôi đứng dậy, quay lại và hắt cả chỗ canh còn lại vào nhóm đàn ông nọ. Họ sững sờ ôm đầu! Tôi điên tiết đến nỗi không còn tự chủ nổi.

Đồ chó chết! – tôi nói, giọng lạnh lùng. – Chúng mày nói ai thế hả?

Trời ơi! – một người ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào tôi. – Cô ta đấy!

Đúng vậy, tao đây! – tôi nhảy dựng lên. – Và chúng mày có thể mừng là tao còn chưa cho chúng mày vãi đái ra!

Nhóm đàn ông sững người im lặng nhìn tôi. Lúc đó đã nhiều người để ý đến chúng tôi và Li Ok đẩy tôi ra phía cửa. Hai điệp viên khác che cho tôi, còn Sengju thì để lại chút tiền “boa” ở bàn ăn. Tôi bối rối vì bị nhìn ngó và bàn tán, và mừng rỡ khi thoát ra đến đường.

Li Ok vẫy chiếc taxi đầu tiên và chúng tôi vào xe. Sengju còn ngoái lại sau xem có ai theo chúng tôi không.

Báo chí cũng có thể viết về vụ này đây! – anh nhận xét khi nhìn ngó phố phường.

Thôi kệ! – tôi giận dữ đáp. – Làm sao các vị lại cho phép chúng nó ăn nói bỉ ổi như thế?

Li Ok cố gắng làm tôi dịu đi.

Hyun Hee, có phải chúng ta đang ở miền Bắc đâu? Chúng tôi không thể bắt bớ cho dù người ta có nói năng giời biển gì đi nữa. Chúng tôi đâu có làm được gì đâu? Nhưng mà cô thì chỉ thiếu chút nữa, đã gây bê bối lớn!

Taxi để chúng tôi xuống ở khu chợ ở Cửa quan phía Đông, nơi chúng tôi để xe. Trên đường về Nam Sơn, Li Ok hỏi tôi:

Đi dã ngoại hôm nay cô có thấy thích không? Ngoại trừ đụng độ vừa rồi thì cũng dễ chịu, phải không?

Không bao giờ tôi đi nữa! – tôi nói, rất tức giận và gần như phát khóc.

Tại sao? Cô sợ sẽ bị nhận ra? Cô sợ người ta xì xào về cô?

Có thể – tôi lau mắt -, nhưng không chỉ vì vậy. Cứ mỗi lần ra ngoài này, thật tuyệt vời khi tôi cảm nhận bầu không khí tự do và được dạo chơi thành phố. Nhưng cái thế giới này – tôi chỉ ra cửa sổ – chả có chút gì liên quan đến tôi cả. Ý tôi nói rằng, đằng nào tôi cũng sắp chết rồi, mọi thứ này có nghĩa lý gì đâu? – Và tôi bắt đầu nức nở.

Li Ok tìm cách an ủi tôi.

Hyun Hee, chúng ta có làm chủ được đời mình đâu. Cái đó nằm trong tay tòa án rồi. Nhưng từ giờ đến lúc ấy, chúng tôi sẽ cố để cô được vui vẻ.

Tôi không muốn vui! – tôi đáp. – Tôi muốn chết càng nhanh càng tốt!

Sau đó là những ngày tồi tệ hơn. Sáng 15 tháng 1, Li Ok bảo tôi rằng tôi phải đưa ra những lời khai của mình trong một cuộc họp báo. Tôi như muốn khuỵu xuống.

Tôi chả khai tất cả rồi đấy ư? Chán chê rồi! Sao cứ phải làm đi làm lại mãi thế này? Giết tôi đi còn hơn!

Cô nghe tôi nói này – Nak Yong bảo tôi. – Chuyện cô sống hay chết không phụ thuộc vào cô, mà cũng chả phụ thuộc vào chúng tôi. Cô hiểu chưa? Cô chỉ có khả năng hối lỗi. Nếu cô thương thân nhân những nạn nhân, cô hãy cố gắng cộng tác với chúng tôi càng mật thiết càng tốt. Và tôi không muốn nghe thêm cái câu “giết tôi đi! ” một lần nữa. Nó quá thảm hại!

Tự nhiên ông ta phát khùng và thái độ không mấy đặc trưng này của ông khiến tôi im bặt. Nak Yong luôn thân thiện với tôi, cũng như Li Ok và Sengju. Thành thử sự tức giận của ông giờ lại càng có hiệu quả.

Vâng, tôi sai – tôi đáp khẽ. – Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể.

Ngày 15 – 1 – 1988.

Nhóm hỏi cung đã làm việc nhiều ngày liền để đưa ra một tuyên bố tổng kết mọi kết quả của đợt điều tra. Cuộc họp báo được tổ chức tại đại sảnh của Cục An ninh; đại diện báo chí quốc tế cũng được mời tới dự.

Đó là một buổi sáng mưa tầm tã và lạnh lẽo – chúng tôi đi ngang thành phố mà tôi vẫn không thấy có chút hứng gì. Khi chúng tôi dừng lại trước tòa nhà, một nhóm phóng viên nhiếp ảnh vây ngay lấy chiếc xe. Ngoài ba điệp viên, còn hai vệ sĩ đi kèm tôi và cảnh sát cũng biểu dương lực lượng khá hùng hậu.

Cửa xe mở, tôi được dẫn đi giữa đám đông. Ai nấy xô đẩy, thiếu chút nữa tôi ngã nhào, tên tôi bị kêu gào. Đèn máy ánh nhấp nháy như điên. Được những người đi kèm “dọn đường”, tôi vào được trong tòa nhà. Li Ok và một nữ điệp viên khác khoác tay tôi, còn Nak Yong đi ngay sau tôi.

Vừa bước vào đại sảnh, chúng tôi lóa mắt vì ánh đèn của vô vàn máy chụp. Tôi hoa mày chóng mắt, lại phải được dìu đi. Rồi tôi được đưa tới một chiếc ghế và người ta bảo tôi nhìn lên. Đèn chụp ảnh lại lóe lên, rồi tôi lại phải nhìn xuống.

Toi không thể nhắc lại từng chi tiết của cuộc họp báo. Người ta liên hồi đặt những câu hỏi, và tôi cố gắng trả lời thật tốt theo những gì tôi biết. Tôi không giấu giếm gì cả, cho dù trong tôi luôn đè nặng suy nghĩ rằng với lời khai được đưa ra trước thanh thiên bạch nhật thế này, tôi đã vĩnh viễn khiến gia đình tôi tan nát. Khi họp báo chấm dứt, tôi mệt mỏi và chỉ muốn được trở về Nam Sơn.

Vài ngày sau, những người giam giữ tôi muốn làm tôi vui bằng cách đưa tôi đến một công viên kiểu Anh ở Hàn Quốc, tại đó có đủ thứ máy chuyển động và quay tròn, và khi những máy móc này quẳng tôi lên hay xô đẩy tôi, tôi lại phá lên cười, hoặc rú lên vì thích thú. Sự mệt mỏi, rã rời của tôi biến mất hoàn toàn, trong vài giờ ngắn ngủi tôi chỉ sống với hiện tại. Có lẽ tôi trẻ con lắm khi gào rú lên, nhưng cũng có lẽ – cả đời tôi – đến giờ tôi mới được một lần tham gia một trò vui như thế.

Sự thay đổi tâm trạng ấy của tôi khiến những người bắt giữ tôi hứng chí. Từ buổi họp báo, họ còn lịch sự và sẵn sàng với tôi hơn nữa, cả TV cũng được đua vào phòng tôi. Tôi sửng sốt vì bản tin thời sự ở đây rất đa dạng và sâu sắc, và tôi rất để ý theo dõi vì thông thường chương trình này cũng nói về tôi. Đôi lúc, những người đưa tin lại nói một điều gì đó, hoặc là hoàn toàn sai sự thật, hoặc là những chi tiết không đáng kể lại bị phóng đại một cách quá trớn. Những khi ấy, tôi bực dọc than phiền với Li Ok và cô thì luôn tìm cách trấn an tôi.

Hyun Hee, không cần để tâm đến điều đó – cô nói. – Cô phải trấn tĩnh trước những gì mà người ta nói về cô. Ở miền Bắc báo chí còn tệ hơn, phải không?

Có thể – tôi đáp. – Nhưng miền Bắc không có lệ vu cáo ai đó, rằng anh ta hành hung kẻ khác.

Chắc chắn là không rồi – Nak Yong nói chen vào – Ở đấy, người ta chỉ bắt và tử hình thôi.

Bắn chết ấy – Sengju nói thêm.

Trước những khẳng định như thế, theo bản năng, tôi tìm cách bào chữa. Seoul đã chinh phục tôi, nhưng không thể tẩy xóa sự giáo dục mà tôi được nhận suốt phần đời đã qua. Những nhận xét của họ khiến tôi nổi khùng.

Cô này, cô có thấy Kim Nhật Thành là tay thế nào không? – một lần, Sengju bảo tôi. – Già cóc đế rồi mà vẫn ham quyền.

Thì người ta chả nói những kẻ xấu thường sống lâu là gì? – Nak Yong bồi thêm.

Có phải ông ấy có lỗi đâu! – tôi bật dậy. – Ông ấy bị thủ hạ đánh lạc hướng, hoặc là người ta không thực hiện đúng những chỉ thị của ông.

Tất cả đều ôm bụng cười rộ lên, còn tôi thì uất ức. Nhưng tồi tệ nhất là khi những điệp viên Hàn Quốc bêu xấu cả dân tộc Triều Tiên. Điều này làm tôi cay đắng vô cùng. Tôi muốn giải thích rằng dân miền Bắc cũng là những con người thực sự, có tâm tư tình cảm. Tôi có cảm giác khủng khiếp khi nhận thấy, cả hai phía đều biết rất ít về bên kia, khiến một dân tộc có chung nền văn hóa bị chia cắt đến thế. Có cùng tiếng nói, cùng phong tục tập quán, cùng lịch sử, ấy thế mà chúng tôi vẫn xâu xé lẫn nhau.

Tuy nhiên, tất cả mọi sự gắn bó của tôi với miền Bắc đều tiêu tan một lần, khi sáng hôm ấy, tôi xem thời sự. Trong những ngày qua, người ta kể rằng thời nhỏ, tôi từng được tặng hoa một phái đoàn Hàn Quốc và tôi còn nhớ rõ một số tấm ảnh chụp cảnh ấy. Nhưng rồi giờ đây, Triều Tiên đưa ra một đoạn băng video về một phụ nữ tên là Chhung Hisun, cô này khẳng định rằng chính cô ta là người thời trước đã tặng hoa phái đoàn miền Nam. Rồi cô ta vung vẩy tuyên bố: chuyện bảo tôi là cháu bé trong ảnh chỉ là trò tuyên truyền của Hàn Quốc!

Nhưng đây cũng chưa phải điều tồi tệ nhất. Hàn Quốc có lý khi họ khẳng định rằng đứa bé trong ảnh, khi lớn lên, đã làm nổ một chiếc máy bay. Xuất phát từ một giả thiết sai trái rằng điều này là sự thật, Hisun cáo buộc Hàn Quốc rằng, Hàn Quốc đang buộc tội cô ta đã tiêu hủy chiếc máy bay. Nói cách khác: vì cháu bé trong ảnh là cô ta, và vì cháu bé với tên khủng bố là một, như thế làm sao cô ta có thể đặt bom làm nổ máy bay, trong khi cô ta chỉ là một giáo viên trung học bình thường ở Bình Nhưỡng? Và thế là người dân miền Bác, với tầm hiểu biết trung bình, xem tấn kịch đã được nhào nặn nhuần nhuyễn này và tin tường rằng Tổ quốc họ quả thực không hề liên quan gì đến vụ nổ, và Hàn Quốc lại một lần nữa vu cáo miền Bắc. Và vì tên tôi không bao giờ được nhắc đến, tôi biến thành một nhân vật bịa đặt, chỉ do miền Nam bày ra để thực hiện mưu đồ của họ.

Tôi sững sờ xem TV. Vì Tổ quốc, tôi đã giết 115 con người và chỉ thiếu chút nữa tôi đã thiệt mạng, vậy mà nay Tổ quốc ấy đã quay mặt với tôi. Thoạt tiên, họ lợi dụng tôi, để rồi vứt bỏ. Tôi cảm thấy trống rỗng ghê gớm, chỉ ngồi thừ ra trước màn hình và lắc đầu quầy quậy. Đến giận dữ tôi cũng không còm hơi nữa.

Cô thấy chuyện này thế nào? – tôi hỏi, nhưng là một lời tự nhủ thì đúng hơn.

Chuyện gì cơ? – Li OK hỏi lại.

Con mụ kia ấy…

À! Chiến thuật điển hình của Triều Tiên thôi mà.

Nó có giống tôi không?

Giống cô bé trong ảnh, nhưng không mấy giống cô bây giờ. Nhưng cô chớ quên rằng người ta đã lựa chọn một cách kỹ lưỡng để cho giống cô mà. Hoàn toàn chỉ là trò tuyên truyền!

Lũ khốn nạn! – dán mắt vào TV, tôi gằn giọng trong họng. – Chúng ta có cần công bố một lời phản bác không?

Không được đâu! Họ tính đến điều này mà. Họ muốn đánh lạc hướng về vụ nổ, bằng cách hướng sự chú ý vào một chuyện vô nghĩa gì đó. Giờ họ đang bị dồn vào góc tường và phải tìm lối thoát. Tốt nhất là kệ xác họ. Rồi cô sẽ thấy…

Tôi không thể ghi lại cảm giác khi con người nhận ra mình bị phản bội. Như thể tôi đã sống hai mươi sáu năm chẳng để làm gì. Và tại Triều Tiên, quả thực tôi đã không tồn tại. Tôi trở thành một – kẻ – không – tồn – tại. Và cùng với tôi là các thành viên trong gia đình tôi!

Không bao giờ tôi quên họ, không bao giờ tôi từ bỏ hy vọng có lẽ người ta sẽ tha tính mạng cho họ. Đồng thời, tôi không thể tiếp tục coi mình là người miền Bắc vì khi đưa độc dược vào miệng tại phi trường Bahrain, tôi đã được tái sinh. Tôi phải thanh toán với thời thơ ấu, những năm tháng đi học, và cả đời tôi cho đến khoảnh khắc khi tôi lịm đi tại sân bay Bahrain. Và, cho dù điều này khiến tôi đau lòng khôn tả, tôi vẫn tuyên bố với sự hồi hộp dâng tràn:

Tôi, Kim Hyun Hee, Hàn Quốc!

Tôi tưởng rằng sau khi đã khai báo, mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều và tôi sẽ bị tử hình nhanh chóng. Nhưng chừng một tuần sau, Nak Yong bảo rằng chẳng mấy chốc, tôi sẽ phải ra trước vành móng ngựa và tại đó, số phận tôi sẽ được định đoạt.

Xét xử? – tôi hỏi. – Tôi đã khai tất cả cho các vị rồi! Tôi có tội. Còn có thể tranh luận gì ở đây được nữa?

Tôi sợ rằng không thể tránh được phiên tòa đâu – Nak Yong đáp. – Cô có thể biết ơn vì người ta đã không sả súng bắn chết cô ngay, như kiểu Triều Tiên. Ở Hàn Quốc, mọi nghi can đều có quyền tham gia một phiên xử công bằng, tại đó, người ta sẽ nhận định đương sự có tội hay không và sẽ đưa ra bản án phù hợp. Chúng tôi gọi đó là tư pháp.

Tôi thì cho rằng thật nực cười. Chỉ phí thời gian, vì tôi đã nhận sạch mọi tội rồi.

Không có vẻ là tình thế của tôi sẽ thay đổi nhanh chóng, tôi buộc phải ở dài hạn tại Nam Sơn. Về sau, tôi đọc được một báo cáo của Nak Yong mà ông để lại trong phòng. Tờ trình ấy chủ yếu nói về cách cư xử của tôi từ khi tôi bị đưa về Nam Sơn, nhưng trong đó cũng có cả những chi tiết của cuộc điều tra do Nak Yong tiến hành. Tuy nhiên, khi đọc đến mục “Ý kiến”, tôi phải ngồi bật dậy và sững người:

Vì có đủ bằng cứ cho thấy Kim Hyun Hee có tội trong tất cả các điểm buộc tội, tôi có ý kiến rằng hình phạt đang là đối tượng của sự cân nhắc là hoàn toàn hợp lý”.

Lưu manh!” – tôi nghĩ thầm. “Đồ dối trá, khốn nạn, bẩn thỉu!” Tôi cảm thấy như kẻ hai lần bị phản bội và lăn ra khóc. Sao Nak Yong lại tỏ ra thân thiện với tôi trong khi ông đề nghị tử hình tôi? Mọi sự thân mật đều là lừa đảo! Cứ mỗi lần đưa tôi đi Seoul mua bán hay xem xét, là người ta lại muốn khiến tôi đau khổ bằng cách cho tôi được nhìn ngó vào một cuộc sống mà không bao giờ tôi được sống ở đó. Nhưng điều làm tôi đau nhất là tôi cứ nghĩ, Nak Yong đứng về phía tôi. Tôi nghĩ, chỉ mình ông hiểu được nỗi đau của tôi, và ủng hộ tôi. Rõ ràng là tôi đã nhầm to.

Phải đến một năm sau, phiên tòa mới được mở vào ngày 7 – 3 – 1989.

Giữa chừng, tháng ngày trôi đi chầm chậm. Sau khi xem bản báo cáo của Nak Yong, nhiều tuần liền tôi không trò chuyện với nhóm điệp viên và tôi cũng không chịu vào thành phố. Mọi người lo lắng về sự thay đổi ấy, họ mời bác sĩ đến khám cho tôi. Bác sĩ nhận định rằng tôi khỏe mạnh, ngoại trừ sự trầm cảm dai dẳng dễ hiểu đối với những kẻ ở tình cảnh như tôi. Tôi tiêu thời gian bằng cách xem TV, đọc báo. Các điệp viên mang sách vở phương Tây cho tôi đọc. Nhưng cuộc sống của tôi không hề có chút niềm vui nào. Tôi đã phục sinh ở Seoul, nhưng rồi trở thành một đứa mồ côi.

Rốt cục thì phiên tòa cũng được mở và khi ấy, mọi thứ trôi đi rất nhanh. Không cần đến Bồi thẩm đoàn vì tôi nhận tất cả các tội bị buộc. Tôi phải nhắc lại một lần nữa tất cả những gì đã khai với nhóm điệp viên, nhưng đây chỉ là hình thức. Ngày 27 – 3, phán quyết được công bố: đúng như tôi dự đoán, tôi bị án tử hình.

Thời điểm thi hành bản án không được đưa ra và như thế, tôi buộc phải về lại Nam Sơn và tiếp tục chờ đợi. Cái chết đã là chắc chắn, thành thử tôi không làm sao thoát khỏi suy nghĩ về nó. Nhiều ngày liền, tôi chỉ nằm và ngắm trần nhà. Tôi muốn chết, nhưng điều đó khác với việc tôi được thông báo rằng chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ phải từ giã cõi đời. Như thế, cuộc sống mới của tôi ở Seoul sẽ chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn ngủi. Tôi được phục sinh, được nếm thử cuộc sống mới mà lẽ ra tôi có thể được sống. Nhưng giờ đây, cái chết lạnh lẽo đang chờ tôi.

Tôi không để ý mấy đến các bài xã luận trên báo chí bàn luận về khả năng chính phủ vẫn có thể ân xá cho tôi. Thân nhân của các nạn nhân lên tiếng đòi hỏi chớ ân xá cho tôi, và không ai có thể trách họ vì điều đó. Không ai có thể trả lại người thương cho họ, và cho dù chỉ là một sự an ủi nhỏ nhặt đến mấy, hậu quả duy nhất mang tính báo thù phải là cái chết của tôi. Chỉ điều này mới có thể đem lại cho họ chút bình an trong tinh thần, để họ tiếp tục sống.

Tháng ngày trôi đi vô nghĩa và thừa thãi. Tôi được biết bản án phải được thi hành trong vòng sáu tháng, như thế ít nhất tôi còn có thể tính được cái gì đó. Tôi rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề và không chịu trò chuyện gì với nhóm điệp viên. Tôi tự nhủ lẽ ra tôi phải chết ngay tại phi trường Bahrain, việc tôi sống sót chỉ là sự may mắn vô tình. Nhưng, theo bản năng, ai mà chẳng bám riết lấy cuộc sống? Thân xác tôi khiến tôi không thể không để tâm đến cuộc sống. Tôi sợ…

Tất cả chúng ta, trong đời mình, hẳn đã nhìn thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, và cho dù chúng ta có đồng cảm với họ bao nhiêu đi nữa, trong thâm tâm, chúng ta vẫn mừng thầm rằng họ, chứ không phải chúng ta, đang gặp họa. Ai cũng có thể bị thương, bệnh tật hay chết. Nhưng bây giờ tôi giữ vai trò ấy. Lần này, người khác có thể ngồi trong cảnh an bình xem tôi bị tử hình.

Một bữa nọ, Nak Yong buông một nhận xét khiến tôi bất ngờ: ông hy vọng tôi sẽ được ân xá. Tôi lao vào suy nghĩ. Có thể Nak Yong đề xuất tuyên án tử hình đối với tôi hoàn toàn chỉ trên phưong diện tư pháp, trong khi ông đã biết rằng thế nào tôi cũng sẽ được ân xá? Có lẽ phán quyết chỉ mang tính hình thức, có lẽ tổng thống – chứ không phải tòa án – có quyền đưa ra lệnh ân xá? Hay là đơn thuần chỉ vì Nak Yong đã nghĩ lại? Dầu sao đi nữa, tôi cũng thấy dễ chịu vì ông lo lắng cho tôi.

Một bận sau đó, Li Ok trò chuyện với mẹ qua điện thoại ở phòng tôi, Cô tán gẫu vui vẻ như thể một kẻ vô tư lự, và tôi rất ghen tị với cô về điều đó. Nếu tôi được sinh ra là người miền Nam, trong giờ phút ấy tôi cũng đã có thể trò chuyện điện thoại với mẹ tôi, ngay từ nhà tôi, nơi tôi và chồng con sinh sống. Tôi chỉ mong ước một điều mà chưa bao giờ tôi có được: sống một cuộc sống bình thường!

Tôi lại nhớ mẹ tôi từng bảo kể từ khi tôi được Đảng chọn, đêm nào mẹ cũng khóc. Rằng, mẹ tìm lại tập ảnh tôi và cứ thế, bà âm thầm nhỏ lệ đến chừng nào chưa ngủ được. Đây là điều tuyệt nhiên bị cấm: kể từ khoảnh khắc tôi trở thành điệp viên mật, lẽ ra bà phải hủy tất cả ảnh của tôi. Nhưng bà không thể làm được điều đó! Còn em gái tôi lại thầm thì với bà: cô hy vọng rằng một ngày nào đó, tôi lại được Đảng cho phép lấy chồng.

Ít nhất, tôi muốn mẹ tôi được biết sự thật. Thử hỏi bà có tin được không?

Trong thời gian ấy, một thay đổi lớn đã diễn ra với tôi: tôi bắt đầu cầu nguyện Đức Chúa trời! Tín ngưỡng phương Tây không phải là xa lạ tại Triều Tiên và qua sách vở, TV, cũng như qua những cuộc trò chuyện quanh tôi, tôi đã thu thập được nhiều kiến thức này nọ. Tôi cầu nguyện Đức Chúa trời cho tôi sửa chữa mọi tội lỗi đã phạm phải. Tôi xin Người cho tôi cơ hội để sống thêm nữa, và phục vụ mọi người. Giá không có chỗ dựa là những bài kinh cầu, tôi đã hoàn toàn đánh mất mọi hy vọng!

Mùa xuân đến và trong khi cả thành phố háo hức chờ đợi đông tàn, tôi vẫn nằm trong nhà tù lạnh lẽo. Tôi đợi chờ…

ĐỌC TOÀN BỘ HỒI KÝ TAI ĐÂY

Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Lời nói đầu
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 1 – Phần 1
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 1 – Phần 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 3
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 4 – Phần 1
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 4 – Phần 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 5
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 6
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 7
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 8
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 9
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 10
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 11
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 12
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 13
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 14
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 15
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 16
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 17
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Lời kết