CHƯƠNG BỐN – PHẦN 2
Phần còn lại của ngày, chúng tôi còn thi bắn cung, ném dao và lựu đạn. Nói chung tôi đạt được kết quả khả quan, trừ môn bắn cung tôi chỉ được 82 điểm. Nhưng điểm số thể lực tổng quát của tôi vượt chỉ số chín mươi khá nhiều, thành thử tôi không phải lo ngại gì.
Chúng tôi còn phải thi lái xe nữa. Chúng tôi phải lái một chiếc xe hơi Mercedes với vận tốc lớn suốt dọc một sân có chướng ngại vật: cột xà, những đoạn đường đóng băng và những khúc ngoặt như trâm cài đầu đàn bà. Mỗi người được đi hai lần, thời gian được đo lường cẩn thận. Đối với tôi, lái xe luôn đem lại cảm giác hồi hộp vì xe cộ là thứ vô cùng hiếm hoi trong đời sống thường nhật Triều Tiên. Ở phương Tây mọi người đều có thể lái xe hàng ngày nhưng đối với chúng tôi, xe cộ là điều mới mẻ. Tuy vậy, trong ba năm thời kỳ tập huấn tôi cũng đã tập lái khá thạo và tôi được xếp thứ nhì trong số các thí sinh với 96 điểm.
Sau khi chấm dứt hoàn toàn phần thi thể lực, tôi được 94,63 điểm. Chỉ có hai người có kết quả vượt tôi, nhưng chỉ có mười một trên tổng số mười lăm thí sinh được tiếp tục dự kỳ thi viết.
Trên nhiều phương diện, thi viết còn khó hơn thi thể lực nhiều. Trong hai ngày liền, chúng tôi phải thi hai lần, mỗi lần bốn tiếng liền, về đủ các môn học.
Ngày đầu, chúng tôi chủ yếu nghiên cứu về triết học và cuộc đời Kim Nhật Thành. Chúng tôi được nhận hai trăm câu hỏi hoàn toàn đơn giản, phải trả lời đúng hoặc sai, rồi phải viết ba bài luận văn khá dài về chủ đề của chủ nghĩa xã hội Bắc Hàn. Bài luận này tạo điều kiện thuận lợi nhất để người ta có thể đánh giá được xem chúng tôi đã tiếp thu nền tuyên truyền chính thức đến mức nào, bởi lẽ có những câu hỏi đại loại như sau: “Trong một bài luận dưới mười trang, anh (chị) hãy giải thích tại sao chế độ Triều Tiên lại ưu việt hơn các chính thể tư sản”.
Ngày thứ hai chúng tôi thi nhiều môn: toán, ngoại ngữ v.v… Chúng tôi còn nhận nhiều câu hỏi về các loại vũ khí khác nhau, ví dụ: “Loại vũ khí cầm tay được ưa chuộng nhất của KGB là gì, và có thể bắn mấy phát với nó?” hoặc “Hãy liệt kê toàn bộ các loại máy bay của quân đội Triều Tiên cùng những đặc điểm của chúng”.
Tôi mất bình tĩnh từ đầu đến cuối và không trả lời được khá nhiều câu. Hơn nữa tôi còn không biết 90 điểm tối thiểu được hình thành như thế nào, vì chúng tôi không thể đoán được các thày đánh giá từng phần của kỳ thi viết theo cách nào. Cuối ngày thi viết thứ hai, tức là sau kỳ thi viết thứ tư, tôi hoàn toàn kiệt sức, cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong tuần đi thi, chúng tôi được miễn mọi nhiệm vụ khác và tôi lăn ra ngủ một mạch hàng chục giờ. Sukhi cũng mệt mỏi bơ phờ như thế.
Vì chỉ còn lại mười một thí sinh, kết quả các môn thi được chấm rất nhanh chóng. Ba người bị trượt, và trong số tám người thi đău, tôi xếp thứ nhì với điểm số trung bình 93. Sukhi được kết quả 92,18. Chúng tôi mừng rỡ. Chúng tôi đã qua hai phần thi, chỉ còn lại một.
Có lẽ phần cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp là khó nhất. Người ta bảo ở phần này, mỗi bài tập đều hợp với từng cá nhân, phụ thuộc vào vai trò được dự định cho thí sinh trong quá trình thám thính. Về mặt cá nhân, mọi người đều được nhận một nhiệm vụ riêng tại các hiện trường khác nhau. Người ta gọi đây là kỳ thi địa hình vì mọi bài tập mà chúng tôi có thể gặp trong đời, trong một địa hình khi thực hiện công tác do thám đều được mô phỏng hóa ở mức chính xác nhất.
Kỳ thi của tôi rơi vào ngày thứ sáu và Ri Hong thông báo về những việc tôi phải làm từ buổi sáng:
– Nhiệm vụ của cô bắt đầu khi mặt trời lặn – anh nói. – Đảng đã cho xây một tòa nhà hai tầng cách trại ta khoảng mười cây số, bên kia núi Kaesong và rừng thông, tòa nhà ấy được bày biện theo mẫu các sứ quán nước ngoài nên đơn giản, chúng tôi gọi nó là sứ quán. Cô sẽ được nhận bản đồ vùng lân cận và sơ đồ tòa nhà. Khu vực đó được một bức tường bao quanh và có các lính canh vũ trang đứng gác. Trên sơ đồ, cô sẽ thấy trong tòa nhà có một tủ sắt, trong đó có các tài liệu bằng tiếng Nhật. Nhiệm vụ của cô là đột nhập vào tòa nhà, học thuộc nội dung các tài liệu và đúng sáu giờ sáng hôm sau có mặt ở đây.
Hầu như tất cả mọi thứ sẽ được làm giả một cách hoàn thiện. Trong các phòng ngủ sẽ có các điệp viên đóng vai trò các nhà ngoại giao. Đội lính gác sẽ không được biết thời điểm cô đến. Các điệp viên đóng vai lính gác và nhân viên ngoại giao sẽ đánh giá kết quả của cô. Tất cả sẽ xác thực đến mức có thể: cô phải để ý đến các thiết bị báo động khác nhau, các camera bí mật, các mi – crô và mọi thứ khác.
Để thực hiện nhiệm vụ, cô được nhận các trang bị sau đây: hai khẩu súng lục, một khẩu AK – 47 tự động, ba con dao, một bình đựng bọt xà – phòng, một sợi dây thừng có những nút bám, đèn pin bỏ túi, ống nghe khám bệnh, dao cắt kính, địa bàn, chìa khóa giả. Dao làm bằng nhựa, chúng tôi để trong súng thứ đạn bọc sơn, khi bắn ra tuy có gây đau đớn nhưng không để lại những vết thương. Các lính gác cũng có những vũ khí như thế. Nếu cô bị bắn trúng, viết đạn sẽ hằn lại trên người cô và nếu những bộ phận quan trọng sống còn của cô bị trúng đạn, người ta sẽ cho điểm tùy theo đó. Các vũ khí đều được lắp bộ phận giảm thanh, cô được tổng cộng tám băng đạn cho hai súng lúc và hai băng đạn cho súng máy. Vì đây cũng đồng thời là kỳ thi đối với các lính gác, trong trường hợp cần thiết cô có thể dùng võ thuật khiến họ bất tỉnh, nếu trước đó họ không chịu đầu hàng. Chúng tôi muốn mọi việc càng giống thật càng tốt.
Sau khi đã lấy được các tài liệu, cô phải học thuộc nội dung của chúng trước khi đặt lại vị trí. Khi về lại đây, cô phải báo cáo về nội dung đó. Cô cần hỏi gì không?
Thực ra tôi có vô số câu để hỏi, nhưng tôi chỉ sững sờ nhìn anh ta. Tôi không làm sao hiểu nổi tại sao người ta lại cử tôi đi làm nhiệm vụ ấy. Tôi vô cùng kinh ngạc trước sự tinh tế của các thày dạy tôi. Rốt cục, tôi mới lên tiếng nổi:
– Thưa đồng chí, tôi nghĩ rằng các thí sinh khác cũng đã được nhận những nhiệm vụ tương tự.
– Tất nhiên – anh ta đáp –, ít nhất là những nhiệm vụ rất giống nhau. Là những điệp viên hoạt động ngoài địa hình, các cô phải lường tới trước mọi khả năng, và chỉ những trắc nghiệm như thế mới có thể làm sáng tỏ xem thực sự ai là người thích hợp với công tác do thám. Vì thế, chúng tôi không tiếc tiền để duy trì tòa nhà – vô tích sự xét trên những mặt khác – đó.
– Và điều gì cần thiết… – tôi cố gắng diễn đạt câu hỏi một cách càng ngây thơ càng tốt – tóm lại, điều gì cần thiết cho tôi vượt qua thử thách này? Tất cả ư?
Ri Hong phá lên cười.
– Điều đó thì tôi không thể nói được. Cô hãy tập trung để thực hiện toàn bộ nhiệm vụ. Ngoài địa hình, Okhva ạ, không có cái gọi là “yêu cầu tối thiểu”. Hoặc cô hoàn thành nhiệm vụ, hoặc không.
Tôi gật đầu ra hiệu rằng tôi đã hiểu. Tôi không muốn biểu lộ sự hồi hộp của tôi, nhưng dạ dày tôi đau quặn vì “cuộc thi” này. Tôi hoàn toàn không có ý niệm là làm sao tôi có được lòng tự tin để lên đường. Nhưng tôi có thể làm gì khác được? Hay là tôi không nhận tất cả những trò này và tự khai trừ mình khỏi đảng? Không, phải nghiến răng làm, phải quyết tâm! Tôi phải làm tất cả những gì có thể.
Ri Hong đứng lên.
– Thôi, nếu cô không có câu hỏi gì thì chiều nay tôi sẽ để cô một mình. Trong vòng vài giờ đồng hồ tôi sẽ mang lại cho cô mọi thứ: trang bị, quần áo và mọi thứ khác. Khoảng 18.00 giờ tôi sẽ trở lại để chính thức cho cô lên đường. Đến khi ấy, tốt nhất là hãy nghỉ ngơi. Và đừng nói về tất cả những điều này cho ai nhé! Hiểu chưa?
Tôi lại gật đầu và Ri Hong ra đi. Tôi trở về buồng ngủ và nằm xoài trên giường. Giá có muốn ngủ cũng không được. Tôi bồn chồn đến nỗi toàn thân tôi run như cầy sấy, cả hàm răng tôi cũng đánh vào nhau lập cập. Tôi thu mình dưới chăn và run cầm cập mấy giờ liền, tôi hoảng sợ chờ hoàng hôn. Chút tự tin tôi có được trong vài ngày trở lại đây, giờ tan tành như mây khói. Toàn bộ tương lai trong đảng của tôi phụ thuộc vào đêm nay, tôi sợ tôi sẽ thất bại.
Suốt chiều Sukhi không về nhà và điều này có lẽ tốt đối với cô. Tôi nghĩ rằng tôi không thể giữ nỗi sợ hãi trong người, chắc hẳn tôi đã kể cho cô nghe tất cả nếu cô ở nhà. Có thể đúng lúc ấy cô đi làm nhiệm vụ của mình. Tôi chỉ dám hy vọng rằng cô sẽ thành công.
Tôi chỉ chìm vào giấc ngủ chập chờn được vài phút, rồi tỉnh giấc vào lúc 17.30 giờ. Ra phòng ngoài, tôi thấy một chiếc va – li khá to. Trong đó có đủ thứ cần thiết: vũ khí, quần áo, các trang bị. Tôi thở dài và mang quần áo vào phòng ngủ và mặc chúng vào người.
Tôi được nhận một bộ trang phục áo liền quần màu đen, giày đen và mặt nạ đen, chỉ để hở cặp mắt. Trông tôi như những người ninja. Tôi đeo một khẩu súng lục lên vai, khẩu kia lủng lẳng bên hông. Dao găm, đèn pin và các băng đạn được tôi cài ở thắt lưng.
Trong ba – lô, tôi tống cuộn dây, ống nghe khám bệnh, đạn dự trữ và bình bọt xà – phòng để vô hiệu hóa các camera bí mật.
Đúng 18.00 giờ, tôi đã hoàn toàn sẵn sàng khởi hành và Ri Hong đến để cử tôi đi. Anh ta nhìn tôi một lượt, vẻ hài lòng và nhận xét: đáng tiếc là anh không mang theo máy ảnh.
Tôi không còn tâm trí đâu để bông đùa. Bộ trang phục khá thoải mái, nhưng tôi thấy mình nực cười trong chiếc mặt nạ với khẩu AK – 47 trên vai.
– Nào, nữ đồng chí Okhva, cô có mười hai tiếng để hoàn thành nhiệm vụ – Ri Hong liếc nhìn đồng hồ. – Chúc cô thành công!
– Cám ơn đồng chí – tôi lẩm nhẩm dưới chiếc mặt nạ và khởi hành.
Đó là một tối đẹp trời, không trăng, những hình bóng đã đổ dài. Tôi bước những bước vội vã theo hướng đã định về phía con đường mòn qua dãy núi Kesong và phía rừng thông. Tôi đã nhớ như in con đường tới tòa đại sứ, nhưng để chắc chắn, tôi mang theo mình cả hai tấm bản đồ. Qua bản đồ án tòa nhà, tôi đã phát hiện ra cái tủ sách nằm trong thư viện.
Trong rừng mọi vật tối tăm, tôi chỉ biết dò đường bằng địa bàn. Tôi lắng nghe những tiếng lào xào quen thuộc của khu rừng chập tối: lũ sáo sậu đã chấm dứt dàn đồng ca của chúng, những loài vật nhỏ len lỏi đi kiếm mồi. Tôi còn phải tính đến những bước chân nặng nề của đàn hổ nữa: chúng cũng không phải thứ hiếm ở vùng này.
Trời đã tối hoàn toàn. Tôi bước nhẹ không tiếng động, hầu như tôi dám quả quyết rằng có một thủ hạ của Ri Hong đang rón rén đâu đó quanh tôi, để ý xem tôi làm gì và làm ra sao. Đôi khi, tôi có thể dùng đèn pin nhưng tôi luôn lấy tay che ánh sáng của nó. Cánh rừng chìm đắm trong màn đêm tĩnh mịch.
Tôi cứ tiến như thế và có cảm giác như thời gian là vô cùng tận. Bầu không khí yên lặng ma quái ngự trị trong cánh rừng, chỉ đôi lúc có một làn gió nhẹ vút qua giữa các ngọn cây. Tất cả tạo nên một ấn tượng khá ghê rợn. Tôi biết phần này của trận thử thách chủ yếu là đánh vào tâm lý: ngay việc đi trọn quãng đường dài như vậy trong rừng, vào ban đêm, cũng đã là một thành tích khá rồi. Tôi hay nảy ra ý nghĩ: hay là bỏ chạy? Nhưng chạy đi đâu cơ chứ? Không đâu có chỗ ẩn náu cho tôi cả. Cùng lắm tôi có thể quay lại. Nhưng tôi cũng chưa đến mức thần hồn nát thần tính như thế.
Đột nhiên, tôi chợt liếc thấy ánh sáng từ đằng xa. Tôi tắt và cài lại chiếc đèn pin vào thắt lưng. Tôi cất địa bàn, tiếp tục rón rén nhẹ nhàng từ gốc cây này sang gốc cây khác. Đi như thế được chừng mươi mét thì đến lề rừng. Tôi đã thấy cổng chính của tòa đại sứ.
Cả hai bên cửa đều có những ngọn đèn tỏa sáng chìm trong tường, cả hai bên đều có lính canh. Cạnh đó là một trạm gác nho nhỏ, bên trong cũng sáng điện. Một bức tường trắng cao khoảng bốn thước rưỡi bao quanh khu vực này. Sau bức tường, nếu tôi nhớ không nhầm khi xem bản đồ, có vài khoảng đất trồng hoa, rồi một thảm cỏ dốc dẫn thẳng đến tòa nhà. Nhìn từ cổng ra vào, đã có thể thấy tòa nhà đó.
Tôi theo dõi đám lính canh một lúc. Ngoài hai người lính trực, dường như trong trạm gác cũng có một người và chắc hẳn trạm này được nối với tòa đại sứ bởi một đường dây điện thoại. Một chút sau, một tổ tuần tiễu gồm ba người đi ngang qua đám lính canh, họ vừa trò chuyện vừa vẫy những kẻ trực chiến.
Tôi tụt lại trong rừng và đi về hướng phải, hơi rời xa cái cổng. Tôi mò đến được góc tường và tiếp tục đi theo bờ tường bên kia về phía tòa nhà. Lại một tổ tuần tra nữa đi qua, tôi nằm bẹp giữa những lùm cây cho đến khi họ mất hút. Buộc lưỡi móc vào sợi dây, tôi vội vã ra khỏi cánh rừng và ném sợi dây qua tường. Lưỡi móc mắc vào tường. Tôi trèo lên thành tường, ngồi ở đó và kéo theo sợi dây, chỉ sau đó tôi mới nhảy xuống phía trong.
Tôi thấy mình ở trên thảm cỏ tòa đại sứ, cách tòa nhà chừng ba mươi – ba lăm mét và cách cổng ra vào một khoảng gấp đôi từng ấy. Tôi cũng thấy một toán lính đi tuần xung quanh tòa nhà, nhưng đúng lúc đó họ rời xa tôi. Dán mình vào bờ tường, đột ngột tôi vắt chân lên cổ chạy và cuối cùng, tôi đã ở cùng một hàng với tòa nhà.
Tòa nhà được xây theo trường phái tân cổ điển, phía trước có những kèo cột kiểu Hy Lạp và một sân thượng rộng rãi. Từ bức tường vào đến nhà, tôi còn phải vượt qua chừng mười lăm mét trên địa hình trống trải. Ngó qua cửa sổ, tôi tìm thấy cái thư viện được rọi sáng rất rõ. Khi đó, tôi ngồi sụp xuống trong bóng tối và xem kỹ lại một lần nữa sơ đồ khu nhà. Trên thư viện là một sân thượng có hàng hiên bằng đá, một phòng khách hướng ra đó. Tôi ngửng lên nhìn và thấy trong căn phòng ngủ này không có điện. Nếu quả thực cái tủ sắt nằm trong thư viện, đột nhập theo đường này là thông minh nhất.
Tôi lại ngó vào thư viện. Một người phục vụ bước vào và mời trà các vị khách. Tôi không biết họ có bao nhiêu người, một hay nhiều? Tôi tự hỏi: đợi cho đến khi không còn ai trong thư viện, hay cứ đột nhập vào tòa nhà ngay từ bây giờ và ẩn náu ở đó. Tôi quyết định đột nhập ngay tức khắc. Trời càng ngày càng lạnh, vả lại, có thể về sau phòng ngủ sẽ có người. Hơn nữa, chui thẳng vào thư viện, cho dù không có ai ở đó, cũng là điều ngu xuẩn vì gần như chắc chắn là người ta đã đặt máy thu hình trong đó.
Nhưng làm sao lên được căn phòng đó? Tôi hơi bước ra xa, thận trọng để dừng dẫm phải thiết bị báo động, và nhận thấy một máng nước mưa ở góc tòa nhà. Tôi nhìn quanh: không một ai. Cúi đầu sát đất, nhanh như gió tôi lao qua thảm cỏ. Tôi dán mình vào tường và nhìn quanh xem có lính gác không? Một toán lính tuần tiễu đến gần cạnh trước của tòa nhà, đối diện nơi tôi đứng, tôi nghe thấy tiếng chân và câu chuyện cố kìm của họ. Bám lấy ống máng, từ từ tôi leo lên. Tôi nhào khỏi làn can đúng vào lúc đội tuần tra xuất hiện. Tim đập thình thịch, tôi ẩn người giữa những cây cột hoa lệ và chờ cho họ đi khỏi hẳn. Nếu chậm một thoáng nữa, hẳn họ đã phát hiện ra tôi.
Tôi liếc nhìn cửa sổ buồng ngủ. Trong phòng vẫn tối om, vì vậy tôi trườn vào phòng, thận trọng để dưới thư viện người ta đừng nghe thấy tiếng chân tôi. Đến gần chiếc cửa sổ đầu tiên, tôi tìm cách mở nhưng nó bị khóa chặt. Tôi lẻn qua cửa ra vào, thử mở cửa sổ thứ hai. Nhưng nó cũng bị khóa kín.
Cuối cùng tôi bước đến cửa ra vào. Chẳng những nó bị khóa mà trên đó, tôi còn nhận ra những sợi dây dẫn chứng tỏ thiết bị báo động bên trong. Như vậy, thử mở cửa ra vào không phải là việc làm thông minh.
Tôi trườn về cửa sổ thứ nhất, hơi nằm về phía sau căn nhà. Tôi móc ba – lô lấy con dao cắt kính và khoét một lỗ kính, trên một chút so với cái điểm mà tôi nghi là có tay cầm. Bỏ mảnh kính ra, thò tay vào, tôi tìm thấy then cửa và rút một cái. Cánh cửa sổ được nâng lên, kêu nho nhỏ. Thế là tôi vào được nhà.
Trườn vào phòng, tôi đóng cửa sổ. Tôi đặt lại miếng kính bị cắt vào vị trí của nó, rất khít. Sau đó, tôi bắt đầu áng chừng địa hình.
Hầu như tôi không thấy gì khác ngoài việc chẳng có ai trong phòng ngủ. Cạnh một bên tường, có một cái giường kiểu sang trọng Baldacco và một lò sưởi chạm trổ lộng lẫy. Những bức trướng nhung rủ từ trần nhà. Tôi không xác định nổi là căn phòng này có người ở không. Phòng có ba cửa ra vào, một cửa hướng ra kho chứa quần áo, cửa kia dẫn ra nhà tắm, cửa thứ ba mở ra cầu thang. Cánh cửa này mở hờ khiến tôi có thể nhìn qua được. Hành lang tầng một ngập dưới ánh đèn sáng chói, kéo dài chừng 18 – 20 mét đến đầu kia của tòa nhà. Cầu thang nằm ở giữa hành lang. Tôi mở rộng cánh cửa chút xíu, cố gắng mường tượng trước mắt sơ đồ tòa nhà. Ngoài hành lang, ở cả hai phía phải có một cánh cửa phòng ngủ, rồi cách đó chừng sáu thước lại có hai cửa nữa. Rồi đến cầu thang và năm cánh cửa nữa, hai cửa ở hai bên và cửa thứ năm ở chính diện với tôi, cuối hành lang.
Tôi đóng cửa, liếc nhìn đồng hồ. 22.00 giờ. Từ giờ đến nửa đêm, có lẽ ai nấy sẽ lên giường. Tôi không thể làm gì khác, chỉ biết chờ đợi.
Tôi mở cánh cửa vào kho chứa quần áo, bật đèn pin. Nhà kho rộng rãi, chật cứng các bộ âu phục và quần áo dạ hội may kiểu phương Tây. Tôi chui vào sau kho, nấp sau một rèm cửa bằng một thứ vải dạ đắt tiền gì đó, và tắt đèn. Nếu phòng ngủ có người ở, tôi phải chờ đến khi họ ngủ say, lúc đó tôi mới có thể xuống tầng dưới được. Trước mắt, tôi không thể tìm được nơi trú ẩn nào tốt hơn vì nếu ra hành lang, hẳn tôi sẽ gặp nguy hiểm.
Một giờ trôi qua. Tôi bắt đầu cảm thấy toàn bộ tình thế hơi vô nghĩa. Một phụ nữ ở độ tuổi hai mươi như tôi đang ngồi đây, kẻ đã bí mật đột nhập vào một tòa đại sứ trá hình để được làm gián điệp. Tất cả những điều này mới xa lạ làm sao với cuộc đời thường nhật, với những món ăn mẹ tôi thường nấu ở nhà, với hình ảnh cha tôi thiu thiu ngủ mỗi chiều, với cảnh các em tôi cãi cọ nhau? Chẳng biết giờ đây họ làm gì? Có lẽ họ cũng đang nghĩ đến tôi?
Cửa phòng ngủ bật mở và điện được bật lên, làm gián đoạn luồng suy nghĩ của tôi. Tôi nghe tiếng chân và tiếng nói chuyện của một người đàn ông và một phụ nữ. Họ nói tiếng Nhật dù tôi không hiểu hoàn toàn. Toàn thân tôi căng lên, tim đập thình thịch, khẩu AK – 47 chạm vào tường. Tiếng nói của người phụ nữ ngày càng to và đột nhiên, đèn bật sáng trong nhà kho. Ánh sáng xuyên quá đống quần áo, hắt vào cả mắt tôi. Người phụ nữ phá lên cười và buông một câu đại loại “sống ở Kairo nửa năm thật là kinh người”, nếu tôi hiểu đúng. Những chiếc móc áo trượt về phía tôi cùng các bộ quần áo treo trên đó. Người phụ nữ sột soạt cởi quần áo rồi treo lên móc. Sau đó, bà ta lấy gì đó từ một cái móc khác, thình lình tắt điện và tôi lại ở trong bóng tối. Tiếng bà ta xa dần. Tôi không biết người đàn ông có vào cùng bà ta không, nhưng nhiều phút trôi qua và tôi không thấy ông ta. Sau đó tôi thấy một cách mập mờ là người ta tắt điện ở phùng ngủ và vài phút sau, bầu không khí trở nên tĩnh lặng.
Mạch tôi giần giật. Giờ đây, tôi phải chờ ít nhất hai tiếng cho đến khi họ ngủ. Tôi nhắm mắt, dựa đầu vào tường. Phải ứng khởi lập tức, tôi nghiền ngẫm, nhưng biết làm gì với một thời hạn ngắn ngủi như thế này? Tôi chỉ có thể cân nhắc đến chừng nào chưa phải hành động.
Khi cảnh yên tĩnh đã kéo dài khá lâu, tôi thận trọng rẽ đóng áo quần và đứng lên. Cửa nhà kho hơi để mở. Tôi nghe ngóng rồi mở rộng thêm cánh cửa.
Đột nhiên tôi để ý đến một tiếng lạo xạo. Tôi quay ngoắt lại và thấy người phụ nữ ngồi dậy trên giường. Nhưng đèn đã bật sáng và tôi phải chớp chớp mắt vì nhức.
– Im mồm! – tôi thét lên bằng tiếng Nhật và rút súng lục tiến đến gần bà ta. Đó là một phụ nữ trung niên, đầu phi-dê lịch sự kiểu phương Tây. Bà ta mặc bộ đồ ngủ rất đắt tiền màu vàng nhạt. Miệng bà ta mở, tay ôm mặt. Khi tôi chỉ còn cách vài bước chân, đột nhiên người phụ nữ mỉm cười và thả tay xuống.
– Được rồi – bà nói tiếng Triều Tiên. – Chúng tôi coi như đã tử trận, hoặc đã bất tỉnh nhân sự. Cô có thể bỏ qua chúng tôi rồi.
Tôi lưỡng lự đứng lại.
– Đừng lo lắng, Okhva ạ – bà ta an ủi tôi. – Trước sau chúng tôi cũng tính đến cô. Đặc biệt, tôi đánh giá cô vì cô đã không hạ thủ tôi.
Tôi mỉm cười sau chiếc mặt nạ.
– Hy vọng bà sẽ tắt điện và im tiếng.
– Tất nhiên – người phụ nữ đáp. – Chúc cô may mắn.
Người đàn ông ngáy trong suốt khoảng thời gian đó và không có dấu hiệu gì chứng tỏ ông ta nghe thấy một lời nào. Tôi hạ khẩu súng lục và tiến đến cánh cửa. Ngọn đèn tắt phựt.
Tôi vù ra hành lang. Ở đó chỉ có một vài ngọn đèn đêm chiếu rọi. Tôi rón rén tiến đến cầu thang, dẫn xuống tầng một bằng một khúc lượn rộng. Tôi đi đôi giày đến cao su nên không gây ra tiếng động trên những bậc thang bằng đá cẩm thạch. Lăm lăm khẩu súc lục trong tay, tôi bước vào căn tiền sảnh rất rộng va suýt nữa tôi đâm sầm vào người lính gác ngồi bên chiếc bàn làm việc cạnh cửa ra vào.
Chúng tôi nhận ra nhau cùng một lúc, nhưng trước khi người lính gác kịp trở tay, tôi đã hạ vài phát đạn vào người anh ta. Sơn bắn toe toét trên ngực áo và trên mặt trái anh ta, anh ta cười ruồi và nằm lăn gọn ghẽ ra sàn.
Đứng trên bậc thang cuối, tôi nhìn quanh. Ở hai bên phải và trái, có những hành lang được chiếu sáng lờ mờ với những cánh cửa. Thư viện nằm ở cuối hành lang bên trái, cửa đóng then cài. Không thấy ánh điện ở dưới cánh cửa, vì vậy tôi có thể giả thiết là không có ai trong đó. Khi đó, tôi nhìn lên và thấy một chiếc camera đang từ từ quay về phía tôi. Lăp tức tôi nằm bẹp xuống để tránh góc nhìn của chiếc máy, và lăn đến giáp tường. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra con mắt điện tử ở trên tường, trên tôi đôi chút. Tim tôi lại đập thình thịch. Tôi chưa hành động theo phương pháp và sai lầm tiếp theo của tôi có thể là sai lầm cuối. Khi camera quay sang hướng khác, tôi đứng dậy và lao về phía thư viện. Cửa ta vào đóng kín. Tôi phải mất một phút mới móc được chiếc chìa khóa giả ra và mở được cánh cửa, tôi nhào vào phòng rồi khóa cửa lại.
Tôi bật chiếc đèn pin. Chiếc tủ sắt phải nằm sau một bức họa ở gần cửa ra vào. Tôi rờ rẫm dọc tường rồi dừng lại ở một bức thủy họa có vẻ đáng ngờ. Tôi hạ bức tranh khỏi tường và quả thực là chiếc tủ sắt nằm sau nó.
Tôi đặt chiếc ba-lô xuống, lấy chiếc ống nghe khám bệnh để mở tủ sắt. Tôi quay chiếc vòng, lắng nghe xem khi nào có tiếng khe khẽ. Chưa đày một phút và chiếc tủ sắt bật mở.
Tôi thò tay vào tủ và tìm thấy một tờ giấy duy nhất. Tôi mở giấy ra xem:
“Okhva” – tôi thấy dòng chữ viết bằng tiếng Nhật trên giấy – “cô đã đi được một nửa trên con đường đến đích! Buổi sáng, khi gặp lại sĩ quan huấn luyện Ri Hong, hãy nhắc lại điều này, càng chính xác càng tốt. Chúc cô may mắn”.
Tôi bay bổng vì vui sướng khi đặt lại tờ giấy vào tủ, và tôi đóng, rồi khóa lại cánh cửa tủ. Tôi treo lại bức ảnh về vị trí của nó. Có lẽ tôi vẫn thực hiện được nhiệm vụ này chăng?
Tôi để ý đến tiếng sỏi kêu ngoài đường và tôi thấy một chiếc xe Jeef quân sự phóng như bay về phía tòa đại sứ. Sửng sốt, tôi tắt đèn pin và nhào ra phía cửa sổ. Sao người ta biết nhanh thế?
Khi đó tôi chợt nhận ra. Dù tôi có thoát khỏi “con mắt” của máy camera, nhưng thân hình “bất tỉnh” của người lính gác chắc chắn đã bị để ý đến.
Chiếc xe Jeef phanh kít lại, hai người nhảy khỏi xe. Tôi nghe tiếng cánh cửa tòa nhà sịch mở, phải hành động thôi. Tôi phải thoát ra ngoài.
Tôi nhìn nhanh những cánh cửa sổ. Chúng đều bị đóng, chỉ có thể phá cùng bộ khung gỗ của chúng. Không còn đường ra nào khác, ngoại trừ hành lang mà tôi đã đột nhập vào.
Những bước chân đã dậm thình thịch ngoài hành lang và một thoáng sau, cánh cửa bật mở. Tôi ngồi sụp xuống, chờ đợi. Trong phòng tối tăm, người ta chưa thể nhìn thấy tôi. Tôi siết chặt khẩu súng lục, sẵn sàng nhả đạn.
Đột ngột điện sáng bừng. Tôi lập tức nhả đạn và bắn trúng hai lính gác ngoài cửa. Họ quẳng vũ khí và nằm vật ra sàn nhà, người bị phủ đầy những vết sơn đỏ. Tôi bật dậy, vùng ra ngoài, trong khi chạy tôi nhồi thêm băng đạn mới vào khẩu súng.
Tôi nhớ trong căn tiền sảnh có một con mắt điện tử, tôi tránh tầm hoạt động của nó nhưng bận tâm đến điều này là thừa. Chắc chắn hai người lính gác đã báo động cho mọi người trong nhà, vì tôi nghe thấy những bước chân ở tầng trên và những tiếng thét ngoài sân. Tôi lao ra ngoài cửa chính và chạy như bay trên sân thượng về phía thảm cỏ. Chắc hẳn cửa chính bây giờ cũng được canh phòng, như vậy tôi chỉ có thể chạy thoát theo con đường tôi đã chui vào: vượt tường. Nhưng vừa được mấy bước, tôi đã thấy một nhóm tuần tra gồm ba người quay vòng ở góc sân. Đám lính tuần nằm sấp xuống và chuẩn bị nhả đạn từ những khẩu súng tự động. Tôi nhảy ra sau một chiếc cột to và dày, những viên đạn bọc sơn lập tức bắn chi chít lên nền đá. Một tay cầm khẩu AK – 47 và bắn một tràng vào người họ, tay kia tôi vẫn lăm lăm khẩu súng lục. Sau đó tôi chạy ào qua sân thượng và nổ súng liên hồi. Tôi nghe thấy một tiếng thét ngỡ ngàng và đau đớn. Chắc hẳn một người trong số họ đã trúng đạn của tôi. Ở rìa sân thượng, tôi nhào qua lan can và lao vút đi trên mặt cỏ. Hai lính gác ôm súng máy rượt nhanh theo tôi, những viên đạn cắm xuống mặt đất ngay bên hông tôi. Tôi quay lại và vừa chạy, tôi vừa nhả những viên đạn cuối cùng trong khẩu AK – 47. Không trúng đích, nhưng họ phải nằm rạp xuống để tránh đạn và như thế, tôi có thêm thời gian. Tôi đã chạy đến bên bức tường đổ bóng xuống bãi cỏ và hy vọng cái bóng của nó sẽ khiến tôi ẩn náu được. Rồi tôi dừng lại và nạp thêm đạn vào khẩu AK – 47. Lấy cuộn dây ra, tôi quẳng qua tường và kéo, nó mắc lại. Tôi choàng khẩu AK – 47 và ba – lô lên vai. Đúng lúc ấy, bên tai tôi vang lên một tiếng động khiến tôi lạnh toát người: đó là một chuỗi những tiếng sủa của lũ chó săn đang giận dữ đên cùng cực!
Họ đã đuổi gần kịp tôi, ngày càng gần!
Tôi hoảng hốt trèo lên bức tường. Nỗi sợ hãi khiến tay tôi như không còn sức lực, chân tôi trượt lên nền đá. Một tiếng kêu chứng tỏ họ đã thấy tôi. Lũ chó ngày càng tiến đến gần tôi. Tôi tuyệt vọng bám vào bờ tường và ngã vật xuống nền đất ở phía bên kia. Chỉ một thoáng sau đó, lũ chó đã gào rú ở đúng chỗ mà trước đó một tẹo, tôi còn ở đấy!
Tôi phải nghỉ một thoáng trước khi chạy tiếp về phía rừng thông. Tay phải tôi lăm lăm khẩu súng lục, chờ đọi xem khi nào xuất hiện lính canh. Chỉ còn cách góc phía Đông Nam độ mươi thước, tôi chạm trán một nhóm lính đi tuần. Miêng thét vang, tôi bắn liền 7 – 8 chuỗi và vẫn tiếp tục, không giảm tốc lực. Họ tìm cách bắn lại tôi, nhưng tôi nổ súng liên hồi cho đến khi hết đạn, và cuối cùng cả ba người lính gác đều phải nằm lăn dưới đất, người đầy vết sơn.
– Giỏi lắm! – tôi nghe tiếng khen khi chạy ngang qua họ.
Nhào vào rừng, tôi dùng tay còn lại lấy đèn pin và bật một chút. Tôi cảm thấy như tim sắp vỡ tung và tôi biết phải nghỉ, nhưng trước hết tôi muốn phải rời xa tòa đại sứ. Thực ra tôi không muốn dùng đèn, nhưng không làm sao khác được. Bằng không, chỉ trong nháy mắt, chắc chắn tôi sẽ đâm đầu vào một cây nào đó.
Tôi dừng lại sau khi chạy được chừng trăm mét. Dựa lưng vào một gốc cây, tôi tắt đèn pin. Trong đời chưa bao giờ tôi nghẹt thở đến thế, tim tôi như bật ra khỏi lồng ngực. Mê mẩn, tôi nạp lại đạn vào súng lục, đầu thì nghĩ đến chuyện không biết bao giờ mới chạy tiếp được đây.
Nhưng tôi không có thời gian để trầm tưởng. Từ xa xa, lại vọng lên tiếng chó sủa và tôi cho rằng họ lại dùng chó để săn tôi.
Tôi nhỏm dậy và chạy tiếp. Lũ chó được bịt mõm dẫn đi và như thế, chúng không thể chạy nhanh hơn người dẫn chúng. Tôi loạng choạng trong rùng cây, lại phải bật đèn pin. Cũng phải mất vài phút nữa lũ chó mới đánh hơi thấy tôi và nếu khéo, tôi vẫn có thể thoát chúng.
Chạy được chừng một trăm mét, tôi tới một con suối nhỏ, lòng suối chỉ rộng vài bước chân. Tôi nhảy xuống suối và đi ngược chiều nước chảy. Chân tôi như đóng băng dưới dòng nước lạnh như kem! Đi như thế vài trăm bước, rồi tôi vọt sang bờ bên kia và lao tiếp đi trong rừng. Lúc ấy, tôi tìm một cây để có thể trèo lên được, và may thay, rừng thông có khá nhiều cây như thế.
Năm phút sau, tôi đã chễm chệ trên đỉnh một cây thông đỏ khổng lồ. Tôi nghe tiếng chó sủa từ xa, và thấy cả ánh đèn pin, nhưng cho dù những kẻ rượt theo tôi có thấy dấu vết tôi đi nữa thì dấu này đã mất ở bên suối. Tôi chờ để lấy lại sức, và rồi họ cũng quay trở lại tòa nhà, chấm dứt cuộc truy đuổi.
Thở dài nhẹ nhõm, tôi đầm đìa nước mắt. Tôi hoàn toàn kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể xác. Nhìn đồng hồ, tôi thấy đã 2 giờ 20. Vỏn vẹn trong 4 tiếng, tôi còn phải đi một quãng đường rất xa! Tụt xuống đất, tôi móc la bàn và đèn pin. Đã đến lúc phải tiếp tục hành trình.
Chân nọ nối tiếp chân kia như một cái máy, mồ hôi tôi ròng ròng nhưng tôi run cầm cập trong đêm lạnh. Đầu tôi như trống rỗng, tôi cũng không còn cảm thấy phải rảo bước nữa, chả còn gì quan trọng. Tôi cứ đi, cứ đi và ttự nhủ trong lòng: sẽ có lúc về đến trại.
Năm giờ sáng, tôi về đến con đường mòn ở núi Kesong. Chân tôi, nhất là đầu gối và gót, đau điếng và giật giật, tôi bắt đầu lên cơn sốt. Tôi lê bước tiếp xuống núi, rốt cục cũng về đến sân trại. Đến lúc ấy, tôi đã òa lên khóc nức nở và không còn nguyện vọng nào khác, ngoài việc chui vào giường và ngủ liền hai, ba ngày. Tôi mở cửa nhà và khập khiễng bước vào.
Ri Hong và My Ong chờ tôi trong nhà, họ ngủ gà ngủ gật trên ghế đi – văng. Tất nhiên khi tôi vừa vào, họ đã tỉnh ngay vào nhìn tôi chờ đợi.
Một ngày sau, khi phân tích các báo cáo, người ta đã chấm tôi 98 điểm và đây là một trong những kết quả xuất sắc nhất kể từ khi trại được mở. Tôi không được điểm tối đa chỉ vì tôi đã “hạ sát quá nhiều lính gác, và nói chung tôi làm mọi thứ quá ầm ĩ.
Tuy nhiên, khi bước vào nhà, tôi chỉ còn sức nhắc lại như máy những câu nói mà trước đó mấy giờ, tôi đã ghi lòng tạc dạ: “Okhva, cô đã đi được một nửa trên con đường đến đích! Buổi sáng, khi gặp lại sĩ quan huấn luyện Ri Hong, hãy nhắc lại điều này, càng chính xác càng tốt. Chúc cô may mắn”.
Trước khi ngã sóng xoài bất tỉnh trên mặt đất, tôi còn kịp nhìn thấy Ri Hong mỉm cười.