CHƯƠNG MỘT – PHẦN 2
Những kết quả trong nhà trường luôn được thông báo một cách công khai. Trong trường, chúng tôi được nhận bốn loại điểm số: điểm cách mạng, điểm học tập, điểm lao động và điểm đạo đức. Trong các giờ cách mạng, ví dụ thày giáo đưa ra một tấm ảnh về cuộc đời Kim Nhật Thành và học sinh phải giải thích những gì mình thấy. Lúc ấy, đứa trẻ mắt ngời lên rạng rỡ, nó nhìn chăm chú vào tấm hình và bắt đầu tuôn ra:
– Trong tấm ảnh này Chủ tịch vĩ đại của chúng ta đang hạ lệnh truyền bá cuộc đấu tranh vũ trang trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch vĩ đại của chúng ta tuyên bố điều đó trong hội đàm của các đại biểu Quân đội nhân dân Cách mạng năm 1930.
Một học sinh, nếu trả lời tốt, sẽ được cho một điểm đỏ cạnh tên cậu ta trong cột “Cách mạng” trên tấm bảng thông báo.
Vì tôi là phụ trách thanh niên, các thày cô thường xuyên tìm đến tôi để yêu cầu tôi giúp họ đưa những biện pháp cảnh cáo các đồng bạn không đạt yêu cầu. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần ai đó bị sỉ nhục vì không hoàn thành các chỉ tiêu này khác là từng học sinh trong lớp lại phải nói đôi lời chỉ trích. Tôi luôn cảm thấy lo lắng vào những dịp như thế vì tôi rất ghét trò phê bình bạn bè, nhưng thày giáo nhìn tôi bằng cái nhìn cứng rắn khiến tôi phải cố gắng nói với giọng bình thản:
– Bạn bảo bạn không hoàn thành định mức vì bạn không có thời gian. Thế mà hôm qua tôi vẫn thấy bạn chơi đùa với những đứa khác. Thật khó tin là bạn có thì giờ để chơi mà không có thì giờ làm việc. Lý do bạn nêu ra cho thấy bạn đã vi phạm lời dạy của lãnh tụ vĩ đại, Người dạy chúng ta phải trung thực với đời sống tập thể.
Mọi người vỗ tay, thày giáo gật đầu tán thưởng. Tôi không thấy vui khi tôi ngồi trong tư thế cứng đờ để lắng nghe một ả tên là San Yung, cô này cảm thấy hạnh phúc nếu được dịp lăng mạ kẻ khác.
– Đồng chí học sinh, bạn không xứng đáng được học hành trong tình thương yêu của Người cha, vị Chủ tịch của chúng ta. Bạn đáng bị đuổi ngay lập tức khỏi trường.
Hàng tuần, nhưng cuộc hội họp tương tự được tổ chức hai, ba bận. Sau đó, chúng tôi bắt đầu nhìn những người trong gia đình bằng con mắt phê bình. Với chúng tôi, tệ nhất là không tìm ra nổi một thứ gì đáng phê bình.
Trong năm cuối phổ thông trung học, tôi được nhận vào học khoa Sinh vật trường Đại học Kim Nhật Thành. Đó là đại học duy nhất ở Bắc Triều Tiên có thể sánh với các trường Mỹ, nhưng chỉ con cái các cán bộ cao cấp trong chính phủ mới được theo học ở đây. Như trong mọi cơ sở giáo dục khác ở Bắc Hàn, tại đây việc học tập tư tưởng cũng được nhấn mạnh, chủ yếu chúng tôi cũng phải nghiên cứu tư tưởng Kim Nhật Thành.
Trước khi thi tốt nghiệp, tôi tham gia kỳ học quân sự kéo dài nửa năm. Đây là điều bắt buộc đối với mọi học sinh. Khi bắt đầu vào đại học, tôi khoái trá vì mọi thứ đều được tổ chức theo kiểu quân sự. Mỗi lớp học được gọi là trung đội, mỗi tổ bộ môn được gọi là đại đội, nhóm các học sinh tốt nghiệp được gọi là tiểu đoàn, v.v… Chúng tôi gọi giáo viên chủ nhiệm là thiếu úy và gọi trưởng phòng giáo dục là đại úy.
Những người tốt nghiệp Đại học Kim Nhật Thành suốt đời được làm nghề tốt và chỉ những kẻ thật ngoại lệ mới được nhận vào trường. Nhưng dù có được ưu đãi đến đâu đi nữa, tôi cũng thấy khó theo đuổi việc học hành vì phần lớn thời gian rỗi của mình, tôi phải tham gia công việc đồng áng tự nguyện tại một hợp tác xã ở vùng lân cận. Vì vậy, cha tôi khuyên tôi chuyển sang trường Cao đẳng Ngoại ngữ Bình Nhưỡng; trường này cũng đảm bảo chỗ làm việc tốt sau khi học sinh tốt nghiệp, nhất là đối với các nữ sinh. Cha tôi lo liệu cho tôi thi vào trường, tôi thi cử thành công và được vào học khoa tiếng Nhật.
Đây là một quyết định thảm khốc. Nếu tôi không chuyển trường và không học tiếng Nhật, chẳng bao giờ người ta tuyển tôi làm gián điệp. Cố nhiên lúc đó tôi nào có biết sự thay đổi này sẽ có những hậu quả như thế nào…
Tất nhiên kỳ học quân sự bắt buộc vẫn tiếp diễn. Được đưa về những trại huấn luyện ở nông thôn, tại đây chúng tôi tập bắn súng và hành quân trong nhiều ngày dài. Điều này đặc biệt nặng nề đối với phụ nữ nhưng dưới ách thống trị cộng sản, phụ nữ được coi là bình đẳng với nam giới và họ cũng phải trải qua một kỳ huấn luyện ngặt nghèo như nam giới. Thường thường chúng tôi phải thay quần áo trong các nhà vệ sinh chật chội và bông vệ sinh dùng cho mỗi kỳ kinh nguyệt cũng hay thiếu thốn.
Cuộc sống thật khắc nghiệt. Trong nhiều ngày liền chúng tôi hành quân trong những rặng núi non. Chúng tôi học cách nhận biết và sử dụng các loại vũ khí khác nhau, cũng như học lái các loại xe cơ giới dùng trong quân đội. Chế đô ăn uống khá tồi tệ, nhiều người gầy rộc đi. Trong những cuộc hành quân dài dằng dặc, đôi khi tôi cảm thấy như mình không thể đứng vững nổi. Anh thiếu úy tại ngũ, một thanh niên điển trai chừng hai nhăm tuổi, thường chờ tôi và khích lệ:
– Cố lên đi, Hyun Hee, đừng rớt lại! Là con gái thì cũng không phải là cớ để cô tụt hậu. Ở đây chúng tôi đối xử bình đẳng với nam và nữ.
Có điều, tôi nhận thấy người ta coi phụ nữ như những kẻ thụ động chứ không phải chủ động và vì thế, chúng tôi còn bị bắt luyện tập thường xuyên hơn và nghiêm ngặt hơn. Hai loại thước đo này khiến tôi tức giận, nhưng rốt cục tôi cũng cảm thấy mình đủ mạnh và đủ khéo léo như bất cứ một người đàn ông nào.
Sau thời gian tập luyện, chúng tôi đã có thể đi bộ liên tục hơn ba chục cây số với chiếc ba – lô 14 cân. Chúng tôi sử dụng thành thạo súng lục và súng máy, chúng tôi còn biết lái xe tăng nữa. Chúng tôi tập ném lưu đạn, sử dụng cao xạ pháo, chúng tôi biết cách bắn loại tên lửa chống tăng.
Tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi được trở về ký túc xá ở Bình Nhưỡng và tôi học cật lực để bù lại thời gian nghỉ. Thanh niên nam nữ không được phép hẹn hò nhau nhưng cũng có vài người chấp nhận mạo hiểm. Những ai bị bắt quả tang sẽ bị đuổi học, có người còn bị đưa đi cải tạo lao động tận miền cực bắc. Chúng tôi phải đi khám bác sĩ đều đặn, là phụ nữ, tôi còn phải khám phụ khoa. Bằng cách đó, các nhà chức trách có thể biết rằng chúng tôi còn trinh.
Nhìn lại, tôi cũng không hiểu khi nào tôi có thì giờ để ngủ nghê. Cuối tuần, chúng tôi giúp việc trong các hầm mỏ và luôn luôn có một cuộc họp cách mạng mà chúng tôi phải tham gia. Thật là một phép màu thực sự khi bên cạnh đó, tôi còn phải học tiếng Nhật, nhưng chẳng mấy chốc tôi đã nói trôi chảy và tôi được những điểm số xuất sắc.
Trong học kỳ hai, khi đó tôi mười tám tuổi, một bận tôi bị triệu lên văn phòng khoa. Một người đàn ông chờ tôi ở đó, chiếc huy hiệu hình quốc kỳ trên ngực áo chứng tỏ ông ta thuộc Trung ương đảng.
– Nữ đồng chí Hyun Hee – ông ta quay về phía tôi khi tôi vừa bước vào phòng –, chắc hẳn đồng chí đã được học hỏi về cuộc đời Lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật của chúng ta? Đồng chí có thể nhắc lại một sự kiện nào đó không?
Tôi do dự trong khoảng khắc rồi tôi chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra ở vùng núi Pektu, khi Kim Chính Nhật đến thăm chiến địa – nơi cha ông, Kim Nhật Thành đã đạt được một chiến thắng lớn – và ông lên tiếng động viên các công nhân hãy lao động hăng say hơn để sửa sang hiện trường, và ông còn đưa ra vài chỉ dẫn có ích cho công việc của họ.
Khi tôi vừa dứt lời, người đàn ông hỏi:
– Cha cô làm ở đâu và trên cương vị gì?
Tôi nói.
– Tuyệt vời. Còn một điều nữa. Cô học giỏi chứ?
Ông ta hẳn đã biết điều này vì tôi là thành viên Ủy ban nghiên cứu lịch sử cuộc đời và sự nghiệp của Kim Nhật Thành và chỉ có mười nữ sinh xuất sắc nhất trường mới được tham gia ủy ban này.
– Tất nhiên – tôi đáp, hơi bực dọc.
Ông ta cho tôi ra về. Cũng trong tuần đó, các nữ sinh viên phải xếp hàng trong phòng thể thao để một nhóm đàn ông – đến thăm trường – có thể ngắm nghía chúng tôi. Khi thấy ai đó có vẻ xinh xắn, họ ghi lại tên cô ta.
Khi ra khỏi phòng thể thao, một người đàn ông gọi tôi ra một bên và ra lệnh cho tôi phải có mặt tại tòa nhà thứ nhất của chi bộ đảng vào tuần tới.
Tôi đành phải đến đó và các sĩ quan quân đội đã chờ tôi, họ đặt cho tôi một số câu hỏi. Tôi bối rối, đứng ngồi không yên nhưng tôi cũng lịch sự cúi đầu và cuộc thẩm vấn bắt đầu.
– Bốn nguyên tắc cơ bản của đảng là gì? một sĩ quan hỏi.
– Tôn sùng, tin tưởng, tuyệt đối, chấp thuận vô điều kiện – tôi đáp như một cái máy.
– Tại sao cô học tiếng Nhật?
– Tôi học tiếng Nhật để dân tộc ta chiến thắng Nhật Bản và nước Triều Tiên lại là một.
– Cô sẽ làm gì sau khi ra trường?
– Theo chỉ thị của đảng.
– Rất đúng. Bây giờ cô hãy đọc lại theo trí nhớ chương một cuốn “Hồi tưởng của Kim Dzhung Suk, người bạn đời của Kim Chính Nhật”.
Gần như tôi bắt đầu nói làu làu ngay lập tức. Rõ ràng là người sĩ quan kinh ngạc trước trí nhớ rất tốt của tôi.
– Cô được các điểm số ra sao?
– Xuất sắc, thưa đồng chí.
Anh ta ấn vào tay tôi một đoạn trong cuốn “Hồi ký Kim Nhật Thành” bằng tiếng Nhật và bảo tôi dịch ngay tại chỗ. Tôi dịch không sai một lỗi.
– Tuyệt, tuyệt lắm! – người sĩ quan hồ hởi, ngừng lại một chút rồi tiếp tục nói, giọng trang trọng. – Kim Hyun Hee, cô có sẵn sàng hy sinh vì đảng không? Vì cô phải biết rằng nhiệm vụ đảng giao chẳng những có thể đem đến vinh quang tột đỉnh, mà còn có thể đem lại cái chết cho cô?
Tôi ngạt thở, câu hỏi khiến tôi sững sờ nhưng tôi không để lộ ra ngoài.
– Tất nhiên – tôi cương quyết trả lời. – Tôi sẽ thực hiện tất cả những gì đảng giao phó, cho dù có phải hy sinh đời mình.
Người sĩ quan ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay nằm trước mặt anh ta.
– Cô đã có ai tìm hiểu chưa?
– Chưa, thưa đồng chí.
– Tốt. Bây giờ cô đi khám bác sĩ đi. – Tôi được dẫn đến bệnh xá, một bác sĩ khám cho tôi rồi tôi phải chờ đợi. Buổi chiều, tôi lại bị gọi đến một lần nữa.
Người đứng đầu cuộc thẩm vấn – được gọi bằng cái tên “điệp viên đặc biệt Chang” – đứng lên và chìa tay cho tôi bắt.
– Chúc mừng nữ đồng chí Kim Hyun Hee. Đảng đã lựa chọn cô.
Tôi biết lẽ ra tôi phải mừng, nhưng sự hãi hùng và linh cảm xấu bao trùm tôi. Mọi thứ diễn ra quá nhanh gọn. Tất nhiên tôi nắm lấy bàn tay chìa về phía tôi. Tôi cố mỉm cười, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn nhưng thú thực tôi không hiểu những điều này là thế nào.
– Cô thu xếp đồ đạc ngay đi! – Chang nói tiếp. – Cô có thể ở lại với gia đình đêm nay, nhưng ngày mai phải khởi hành rồi.
Ông ta đưa tôi về lại trường, tại đó tôi chỉ có vài phút để từ giã các thày cô giáo. Dễ thấy là họ tự hào vì may mắn của tôi và họ chúc tôi thành công. Trong vòng một giờ đồng hồ, tôi đã có mặt ở nhà: điệp viên đặc biệt Chang đưa tôi về, ông ta thông báo cái tin điếng người với mẹ tôi.
Khi tôi thuật lại cho bà nghe về cuộc thẩm vấn, lập tức tôi thấy bà sững sờ, mặc dù bà rất cố gắng giữ kín. Bà lịch sự mời điệp viên đặc biệt Chang ở lại ăn bữa tối, nhưng ông ta khước từ lời mời. Chang nói sáng mai người ta sẽ đến đón tôi và ông ta bỏ đi.
Các em tôi rất lo lắng khi nghe cái tin này. Tuy nhiên, mẹ tôi vẫn lặng thinh chuẩn bị cho bữa tối. Cuối cùng, bà ngẩng lên nhìn tôi:
– Điều này có nghĩa là con ra đi vĩnh viễn ư?
Tôi do dự trước khi trả lời.
– Con không biết, mẹ ạ.
Bà lại cắm cúi thái rau, rồi thả vào chảo.
– Mẹ hy vọng là cha con sẽ chịu đựng được việc này – bà lên tiếng và không nói thêm một câu nào nữa.
Nhiều giờ trôi qua mà cha tôi vẫn chưa về. Tôi gói ghém đồ đạc. Giữa chừng, tôi lục ra một bức thêu mà mẹ tôi đã làm hồi bà còn học phổ thông trung học. Khi tôi chuyển đến ở ký túc xá, bà cho tôi tấm vải, đối với tôi nó có một giá trị tình cảm lớn lao.
Tôi quyết định tặng lại bức thêu cho Hyun Ok. Khi trao cho em, tôi cảm thấy dường như tôi cũng trao lại cho nó vị trí của tôi: giờ đây em đã là cô gái đầu trong gia đình, tôi ra đi vĩnh viễn.
– Giữ gìn cẩn thận em nhé! – tôi bảo nó –, và nếu chị về, chị sẽ lấy lại đấy.
Giờ phút đó, cả hai chúng tôi đều khóc như ri, chúng tôi ôm chầm lấy nhau và cứ thế cho đến khi mẹ tôi gọi hai đứa đi ăn tối.
Chỉ đến khoảng nửa đêm cha tôi mới về đến nhà và ông đã biết chuyện gì xảy ra. Cha tôi sửng sốt ghê gớm và nhiều lần, ông đặt đi đặt lại cho tôi nhiều câu hỏi giống nhau như thể ông không hiểu những câu trả lời của tôi. Sau đó, ông im lặng hồi lâu rồi bắt đầu nói bằng một giọng chán nản:
– Ngồi xuống đây con và nghe cha nói, Hyun Hee. Lúc nào cha cũng hy vọng con sẽ thành một người nội trợ đơn thuần, một bà mẹ tốt. Nhưng nếu con người ta có thể hiến dâng đời mình cho đất nước thì đó cũng là một vinh dự lớn. Luôn nhớ điều này con nhé: ngay trong cũi hổ con cũng có thể sống sót nếu con biết cách tập trung tư tưởng thường xuyên. Hãy làm mọi việc có thể, con ạ. Cha rất tự hào vì con.
Mẹ tôi òa khóc, còn tôi về phòng mình với mặc cảm tội lỗi. Tôi ngồi một hồi với các em, chúng tôi xem lại những bức ảnh gia đình và nhắc lại những cảm xúc chung. Tôi buồn vì phải ra đi nhưng tôi cũng biết được đảng chọn lựa là một vinh dự lớn biết bao. Tôi tự nhủ trẻ con, ai chẳng phải rời gia đình vào một lúc nào đó và tôi không thể mong muốn gì tốt hơn.
Ngày hôm sau từ sớm tôi đã tỉnh giấc. Chúng tôi không nói năng gì mấy trong bữa sáng và tôi thấy cặp mắt mẹ tôi thâm quầng vì bà khóc nhiều.
Điệp viên đặc biệt Chang đến vào hồi mười giờ. Ông ta chào cha tôi và tuyên bố:
– Anh đừng lo lắng cho Hyun Hee. Đảng sẽ chăm chút mọi thứ cho nó. Chúng tôi sẽ còn kiếm cả chồng cho cô ấy nữa. Hãy phó mặc cho chúng tôi.
– Cám ơn anh – cha tôi đáp, vẻ trịnh trọng. – Nó đã mang lại niềm tự hào cho gia đình chúng tôi, chúng tôi sẽ không lo ngại gì đâu. Tôi sẽ biết ơn đảng muôn đời.
Làm sao có thể quên được cái ngày tôi rời bỏ gia đình? Cha tôi rầu rĩ nhìn tôi. Mẹ và các em gái tôi khóc sướt mướt; chỉ các em trai tôi là vui vẻ dù tôi biết chúng phải cố gắng lắm.
– Tạm biệt! – mọi người lần lượt nói, như thể người nọ nhấn mạnh lời người kia. Đến nay tôi vẫn còn nghe tiếng nói của họ. Đến nay tôi vẫn còn nghe tiếng vọng ấy.
ĐỌC TOÀN BỘ HỒI KÝ TAI ĐÂY
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Lời nói đầu
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 1 – Phần 1
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 1 – Phần 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 3
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 4 – Phần 1
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 4 – Phần 2
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 5
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 6
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 7
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 8
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 9
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 10
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 11
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 12
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 13
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 14
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 15
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 16
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Chương 17
Hồi ký điệp viên Kim Hyun-hee – Giọt lệ trong hồn – Lời kết