Kỳ tích đường cao tốc Gyeongbu – cao tốc làm bằng ý chí người Hàn Quốc

0
2407
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

Vào ngày 7 tháng 7 năm 1970, tuyến đường cao tốc Gyeongbu nối thủ đô Seoul và thành phố Busan chính thức được khai thông. Tuyến đường cao tốc đầu tiên của Hàn Quốc được hoàn thành sau những nỗ lực thông núi và bắc cầu qua sông trong suốt hai năm năm tháng. Tuyến đường cao tốc Gyeongbu dài 428km nối liền lãnh thổ Hàn Quốc từ Bắc vào Nam đã giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và đưa nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Đường cao tốc Gyeongbu hoàn thành năm 1970



Đến giữa những năm 1960, cơ sở hạ tầng giao thông của Hàn Quốc rất lạc hậu do hậu quả của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình phát triển đường bộ được công bố vào năm 1966, bình quân độ dài đường trên đầu người ở Hàn Quốc chỉ là 1,1m, trong khi ở Mỹ là 31,5m và ở Nhật Bản là 10,2m. Ngoài ra, diện tích đường được lát chỉ chiếm 5,1% toàn bộ diện tích đường nói chung. Tình trạng này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một tuyến đường cao tốc mới. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc giải thích: “Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ nhất được tiến hành từ năm 1962 đã đưa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Hàn Quốc khi đó lên đến 8%. Hàng hóa được chuyên chở qua tuyến tàu Gyeongbu từ Seoul đến Busan tăng gần 40%, số chuyến tàu cũng tăng hơn 80%. Theo đó, vận tải hàng hóa trở thành một thách thức lớn đối với Hàn Quốc. Nói cách khác, giải quyết được vấn đề này là then chốt để tạo bước nhảy vọt về kinh tế. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Hàn Quốc đã đến thăm một số quốc gia phát triển như Đức, và đặc biệt sau khi tận mắt chứng kiến hệ thống đường cao tốc Autobahn của Đức, ông đã nhận thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng hệ thống đường cao tốc để làm nền tảng phát triển công nghiệp.”

Hàn Quốc thập niên 1960-1970 còn khá thưa thớt phương tiện giao thông



Sau khi Chính phủ quyết định xây tuyến cao tốc Gyeongbu vào đầu năm 1967, thì tháng 12 năm đó, đoàn khảo sát thiết kế xây dựng cũng được thành lập. Năm sau đó, Chính phủ đã thành lập thêm Văn phòng công trình xây dựng tuyến cao tốc Gyeongbu và tích cực xúc tiến dự án trọng điểm này.

[Dư luận phản đối quyết liệt dự án đường cao tốc]Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng đường cao tốc Gyeongbu đã vấp phải nhiều khó khăn ngay từ giai đoạn đầu. Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển (IBRD) đã có ý kiến phản đối sau khi điều tra tính khả thi của công trình tuyến cao tốc Bắc-Nam này. Ông Bae In-cheol đến từ Viện nghiên cứu đường bộ và giao thông thuộc Tổng công ty đường bộ Hàn Quốc cho biết: “Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển là tiền thân của Ngân hàng thế giới (WB) ngày nay. Họ đã đưa ra một báo cáo cho rằng tuyến Gyeongbu được xây dựng trong thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc, từng đóng vai trò quan trọng về vận tải hàng hóa,giờ đây đã xuống cấp và lạc hậu nhiều. Do vậy cần thiết phải xây dựng một tuyến đường cao tốc mới ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ lại đề xuất xây dựng tuyến đường nối từ Đông sang Tây, cụ thể là nối từ Seoul đến Gangneung (tỉnh Gangwon) và từ Gwangju (tỉnh Nam Jeolla) đến Pohang (tỉnh Bắc Gyeongsang) để hướng ra cảng.”

Việc công bố kế hoạch xây dựng tuyến cao tốc Gyeongbu cũng khuấy động dư luận. Đặc biệt, đảng đối lập và một số báo chí đã chỉ trích kế hoạch này. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung cho biết:“Những ý kiến phản đối hầu hết đều xoay quanh câu hỏi tại sao phải xây dựng tuyến đường này và tiền đâu mà xây. Nếu trải đường Gyeongbu sẽ gây ra sự mất cân bằng giữa các khu vực. Ngoài ra, người ta cho rằng nếu có tiền để trải đường thì trước mắt nên dùng đồng tiền để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nông thủy sản một cách ổn định cho người dân. Cũng có ý kiến rằng đường bình thường mà chúng ta còn chưa có, nói gì đến đường cao tốc. Để xây dựng đường cao tốc thì trước tiên phải xây dựng những con đường giao thông bình thường trước đã.”

Tuyến cao tốc Gyeongbu nối liền thủ đô Seoul với Busan



[Hoàn thành tuyến cao tốc với bàn tay trắng và ý chí kiên cường]Mặc dù vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước, nhưng ngày 1/2/1968, Chính phủ vẫn bắt tay vào thi công tuyến đường Gyeongbu, bắt đầu từ đoạn nối Seoul đến Suwon (tỉnh Gyeonggi). Toàn bộ tuyến cao tốc Gyeongbu được chia thành bảy đoạn đường và có sự tham gia của 16 công ty xây dựng hàng đầu trong nước để tạo nên tuyến huyết mạch của quốc gia. Từ lúc khởi công cho đến khi hoàn thành, có đến gần 8,93 triệu người, bao gồm cả người dân, binh lính và giám sát quản lý, tham gia vào công cuộc xây dựng. Vào thời điểm đó, người tham gia hầu như không được trang bị các thiết bị kỹ thuật cao nào, mọi thứ chủ yếu được làm bằng tay. Ông Oh Gyo-tak, một trong những người đã từng làm việc tại công trường xây dựng tuyến đường cao tốc Gyeongbu, kể lại:“Lúc đó máy móc không phát triển như bây giờ nên chúng tôi hầu như phải làm mọi công đoạn bằng tay. Chẳng hạn, công đoạn thi công làm đường thoát nước thì dùng xi măng. Và ngay cả việc nhào trộn xi măng cũng chẳng có lấy một cái máy nào cả. Nói chung rất là cực. Bây giờ người ta đâu ai nhào trộn nổi xi măng bằng tay đâu, dù cho có được trả tiền đi chăng nữa, thì cũng chẳng ai muốn làm. Thêm vào đó, lúc đó thời gian gấp rút nên chúng tôi phải tranh thủ làm việc cả trong đêm. Bây giờ thì chỉ làm có tám tiếng một ngày, chứ hồi đó chúng tôi phải làm từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn thì mới được nhận tiền lương theo ngày.”

Sau khoảng một năm sáu tháng thi công, tuyến cao tốc Gyeongbu đã dần hình thành. Đến tháng 12 năm 1969, năm trong tổng số bảy đoạn đường đã chính thức được khai thông. Tuy nhiên, kế hoạch hoàn thành tuyến đường sẽ không bị kéo dài ra nếu không gặp phải một trở ngại, đó là việc đào đường hầm Dangjae ở Okcheon thuộc tỉnh Bắc Chungcheong. Ông Shim Wan-sik, người từng là quản đốc công trình xây dựng đoạn đường hầm này, vẫn còn nhớ như in không khí khi đó dù hàng thập kỷ đã trôi qua: “Đường hầm có tổng chiều dài khoảng 500m. Khu vực này được cấu tạo chủ yếu từ đá phiến ma và đá trầm tích, và khối đất đá này kéo dài thông ra khu vực thung lũng, vì vậy mà đã có nhiều vụ tai nạn sập hầm xảy ra. Chỉ riêng với khu vực thi công này đã cướp đi mạng sống của 11 công nhân. Lẽ ra theo kế hoạch thì đến cuối tháng 6 năm 1970, công trình phải được hoàn thành, nhưng đến tháng 4 năm đó thì tiến độ thi công mới chỉ đạt chưa tới 70%. Bởi vậy mà rất khó để kết thúc đúng tiến độ.”

Các công nhân tại đây phải làm luân phiên ba ca một ngày, và mỗi nhóm mỗi ngày đào được khoảng 2m đường hầm. Ông Shim Wan-sik kể tiếp: “Tuy công việc rất nặng nhọc, nhưng công nhân chúng tôi chỉ được trang bị ở mức tối thiểu, và vì không có máy móc nên sử dụng sức người là chính. Cũng bởi vậy mà công việc mất rất nhiều thời gian và năng suất cũng không cao. Vì vậy, chúng tôi đã chia ra mỗi ngày ba ca, cứ một ca là tám tiếng đồng hồ. Chúng tôi khi đó phải rất cố gắng và kiên trì. Công đoạn cuối cùng là đổ bê tông để xây dựng tường hầm, nhưng phải mất bảy ngày để đổ bê tông và làm khô. Tuy nhiên, do thời gian gấp gáp nên không thể hoàn thành kịp đoạn cuối này. Vì vậy, các nhà máy xi măng ở Danyang được lệnh sản xuất xi măng có độ bền cao, có thể khô nhanh chóng và chắc hơn. Và chuyển xi măng này bằng xe tải chứ không phải tàu hỏa để cắt giảm thời gian vận chuyển. Cứ như vậy đến đêm ngày 27 tháng 6 năm 1970, đường hầm Dangjae của tuyến cao tốc Gyeongbu đã chính thức được khai thông.”

Nhờ sự cố gắng kiên gan, bền bỉ của các công nhân mà đường hầm Dangjae cuối cùng đã được hoàn thành. Như vậy, tuyến đường cao tốc nối Seoul với tỉnh Gyeonggi, Chungcheong, Gyeongsang và Busan đã được hình thành sau hai năm năm tháng, khiến việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. “Trong hai năm và năm tháng, các công nhân Hàn Quốc đã làm được tổng cộng 428km đường. Nếu so với các tuyến cao tốc lúc bấy giờ của các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, thì thời gian thi công tuyến đường này được coi là ít nhất và chi phí cũng thấp nhất khi chỉ mất gần 43 tỷ won. Toàn tuyến có 317 cây cầu với tổng chiều dài gần 17km, sáu đường hầm dài gần 4km, 19 nút giao cắt và 468 cầu vượt. Số lượng trang thiết bị được huy động là khoảng 1,65 triệu.”

Người Hàn Quốc ăn mừng trong ngày mở cửa cao tốc Gyeongbu



Theo lời giải thích của ông Bae In-cheol thuộc Viện nghiên cứu đường bộ và giao thông, thì mặc dù Hàn Quốc khi đó không có công nghệ cao cũng như kinh nghiệm xây dựng, nhưng nhờ ý chí kiên cường và quyết tâm, cuối cùng vẫn có thể hoàn thành tuyến đường cao tốc với những kỷ lục kinh ngạc. Tuyến đường 428km được thi công chỉ trong hai năm năm tháng có nghĩa là cứ hai ngày đã trải được 1km đường. Đặc biệt, chi phí cho mỗi km đường chỉ vào khoảng 100 triệu won trong khi đó, Nhật Bản cũng đã hoàn thành tuyến đường cao tốc Tomei nối Tokyo với Nakoya vào năm 1968 với chi phí cao gấp tám lần, lên tới 800 triệu won cho mỗi km đường thi công. Có thể nói Gyeongbu là tuyến đường cao tốc có chi phí thi công thấp nhất trong lịch sử xây dựng đường cao tốc trên thế giới.

[Mở ra thời đại đi dọc theo đất nước chỉ trong một ngày]Tuyến đường cao tốc Gyeongbu đã làm thay đổi bộ mặt đời sống của người dân Hàn Quốc. Nhờ vậy, người dân giờ đây đã có thể dễ dàng đi từ đầu này đến đầu kia của đất nước chỉ trong một ngày. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc nói: “Trước đây, đi từ Seoul đến Busan bằng ô tô phải mất tới 15 tiếng và bằng tàu hỏa đi mất chín tiếng, thì bây giờ đi đường cao tốc này chỉ mất có bốn tiếng. Việc rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vùng đã khiến cho cuộc sống của người dân trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.”

Không chỉ vậy, từ ngày có tuyến đường Gyeongbu, người ta chỉ mất gần nửa ngày để vận chuyển hải sản tươi sống đánh bắt ở thành phố cảng Busan lên thủ đô Seoul, cũng như từ đó vận chuyển đi khắp các tỉnh thành khác trong cả nước, rút ngắn khoảng cách giữa người nông dân và người tiêu dùng. Sau khi đường cao tốc được mở, thì dịch vụ xe khách nhanh cũng bắt đầu xuất hiện, thu hút nhiều người dân sử dụng. Cũng theo đó, nghề lái xe và tiếp viên xe khách trở thành một nghề nghiệp đáng mong ước thời đó. Một số người dân phát biểu như sau: “Sau khi khai thông đường cao tốc thì việc đi lại đã nhanh chóng hơn nhiều, vừa nhanh vừa tiện lợi giống như đi máy bay vậy. Tâm trạng tôi cũng như muốn bay theo vậy. Lúc đầu, tôi không thấy có gì đặc biệt cả. Nhưng khi chạy trên đường rồi thì trời ơi, sao mà nó lại có thể thoải mái như thế chứ. Lúc bấy giờ, tài xế xe khách cao tốc có cái uy giống như là phi công lái máy bay vậy. Các cô tiếp viên xe thì giải thích chi tiết về di tích và thắng cảnh mỗi lần xe chạy qua, làm cho tôi cảm giác như mình đang đi du lịch vậy.”

Mặt khác, khi có đường cao tốc, thì lượng xe lưu thông cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Từ đó mở ra một thời đại của xe riêng ở Hàn Quốc. Ông Bae In-cheol nói:“Theo tài liệu thống kê, vào năm 1973, số xe lưu thông trên đường cao tốc vào khoảng 5.263 chiếc, trong đó có 641 xe hơi, 1.154 xe khách và 3.250 xe tải. Đến năm 2014, số lượng xe lưu thông trên đường cao tốc Gyeongbu đã lên tới gần 88.000 chiếc. Như vậy, số lượng xe đã tăng lên rất nhiều lần, trong đó lượng xe hơi là tăng nhiều nhất. Vào những năm 1990, số lượng đăng ký xe ô tô cũng tăng mạnh. Trong đó, xe hơi thông thường là 60.724 chiếc, xe khách là 4.249 chiếc, và xe tải tăng lên tới 23.026 chiếc.”

[Tuyến đường cao tốc đưa kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhảy vọt]Với hai bàn tay trắng và đi lên từ đói nghèo, nhưng bằng ý chí kiên cường mà người dân Hàn Quốc đã làm nên kỳ tích, khi hoàn thành tuyến đường cao tốc Gyeongbu. Qua đó, kinh tế Hàn Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhảy vọt. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung nhấn mạnh: “Sự phát triển của mạng lưới giao thông quốc gia đã thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp vận tải và ô tô. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường cao tốc cũng giúp chúng ta tích lũy thêm kinh nghiệm cho ngành công nghiệp xây dựng của nước nhà, và biết cách sử dụng đất đai lãnh thổ một cách hiệu quả. Nó còn giúp phát triển các khu công nghiệp, qua đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, nền tảng của kinh tế. Việc hoàn thành công trình xây dựng đường cao tốc còn có ý nghĩa là đã cổ vũ khích lệ tinh thần nhân dân, thay đổi được ý thức của họ từ chỗ nghi ngờ, do dự chuyển sang quyết tâm và tự tin “Chúng ta có thể làm được”. Và đây cũng chính là điểm mấu chốt giúp cho Hàn Quốc đạt được sự phát triển thần kỳ, trở thành nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới, một điều mà trước đây chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi.”

Có thể nói, tuyến đường cao tốc Gyeongbu có ý nghĩa vô cùng to lớn với người dân Hàn Quốc. Nó là biểu tượng đầy tự hào cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thấm mồ hôi, máu và nước mắt của nhân dân. Trên cơ sở kinh nghiệm tích lũy từ việc xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên này, đến nay Hàn Quốc đã có tổng cộng 33 tuyến đường cao tốc, với tổng chiều dài 4.139km. Nhờ đó, người dân đã có thể thoải mái đi từ đầu này đến đầu kia đất nước một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Một lần nữa phải khẳng định rằng đường cao tốc Gyeongbu là một trong những kỳ tích trong lịch sử cận đại Hàn Quốc.