Chương 10 – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Hyun Hee

0
2844
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

CHƯƠNG MƯỜI

Chiếc máy bay số 858 của Hãng Hàng không Korean Air đứng tại đường băng khởi động, cách chúng tôi chỉ chừng 50 mét. Qua cửa kính khổng lồ của phi trường, tôi ngắm nhìn các nhân viên phục vụ mặt đất chấm dứt công việc bảo trì của họ. Giá họ biết điều gì sẽ xảy ra trong hôm nay…

Bữa ấy là ngày 28 – 11 – 1987, mặt trời còn chưa lặn. Baghdad vẫn còn rất nóng nực. Chúng tôi vừa đến từ Baghdad theo đúng lịch bay và vài giờ sau, sẽ bay tiếp đi Abu Dhabi. Hôm nay, sau bao ngày chuẩn bị, chiến dịch sẽ bắt đầu.

Kim Song Ir đứng cạnh tôi, tôi cảm thấy ông cũng có chung suy nghĩ với tôi. Ông nắm tay tôi và siết chặt. Đây là một biểu hiện hiếm hoi của tình yêu thương. Và nó cũng phù họp với vai diễn của hai chúng tôi: cha tỏ ra chiều chuộng con. Cho dù ông đã cao tuổi và giàu kinh nghiệm, tôi biết rằng ông cũng hồi hộp, chí ít cũng như tôi. Trong một khoảnh khắc, tôi chợt nghĩ rằng trong chuyến đi này, quả thực ông đã như người cha tôi. Rồi tôi nghĩ đến gia đình thực của mình và cảm thấy, tôi muốn về nhà biết chừng nào!

Chẳng bao lâu nữa, Okhva ạ – Song Ir thì thầm. Giờ, lần đầu tiên ông dám dùng tên Triều Tiên của tôi. – Chẳng mấy nữa đâu!

Khi vừa quay mặt khỏi cửa kính phi trường, chúng tôi liếc thấy hai người Cao Ly ăn vận chỉnh tề đang đi trong đám đông về phía chúng tôi. Một trong hai người cầm chiếc cặp xách khá to. Lập tức, tôi hiểu rằng đó là người mà chúng tôi phải bắt liên lạc và quả bom nằm trong cặp của ông ta. Tôi cổ tỏ ra bình thản nhưng kỳ thực, bụng tôi quặn đau.

Hai điệp viên đó đều có tên là Cho và giống nhau như hai giọt nước, mặc dù hình như họ không có họ hàng gì với nhau cả. Cả hai đều cao hệt như nhau, đều mặc Âu phục màu đen sang trọng và hợp thời trang, đều đeo kính gọng kim loại. Tóc họ được chải y hệt nhau và tôi thoáng nghĩ rằng họ là một cặp sinh đôi vậy.

Trong hai người, người nhiều tuổi hơn là trưởng nhóm, còn người kia là điệp viên đặc biệt. Chúng tôi cất lời chào hỏi và sau vài lời úy lạo lịch sự, chúng tôi cùng vào quán bar của phi trường để uống chút gì đó. Ông Cho “già” thành thực lo ngại cho sức khỏe của Song Ir khi được biết Kim không khá lên mấy kể từ khi chúng tôi rời Bình Nhưỡng.

Đây sẽ là nhiệm vụ cuối cùng của tôi – Kim đáp.

Cho vỗ vai Kim.

Nếu quả thực là như thế, tôi không thể hình dung ra nhiệm vụ gì phù hợp với đồng chí hơn thế này, để đồng chí có thể chấm dứt đời hoạt động. – Ông ta nhấp môi vào ly nước, rồi nhận xét. – Tôi hy vọng rằng chắc cả hai đồng chí đều không quên cách đặt bom chứ?

Tất nhiên, sao quên được?! – Kim đáp.

Tuyệt! – Cho uống sạch ly nước và liếc nhìn đồng hồ. – Tôi nghĩ là đến lúc chúng ta phải đi rồi. Không nên để người ta thấy chúng tôi cùng các đồng chí thế này. – Ông ta nhìn Kim, rồi quay sang nhìn tôi. – Chúc các đồng chí may mắn!

Chúng tôi bắt tay nhau và họ ra đi. Chiếc cặp được để lại. Tôi nhẹ nhõm rất nhiều trong lòng khi biết là Kim sẽ mang chiếc cặp đó.

Nhớ đây, cô à – Kim giảng giải khi chúng tôi bước ra phía cửa. – Chất nổ lỏng trong chai sẽ làm tăng sức nổ của trái bom đài này, vì vậy luôn phải giữ chúng cùng nhau. – Ông nhìn quanh xem có ai nghe chúng tôi không. Rồi ông hạ giọng nói tiếp. – Chớ quên là không thể thay pin trong đài, thành thử cô không được làm mất chúng. – Tuy không hay nói đùa, song Kim cũng mỉm cười và nói thêm. – Và đừng có nhầm chất nổ lỏng với thuốc men của tôi đấy nhá!

Tại điểm kiểm tra, chúng tôi chia tay nhau. Ở xứ này, không chỉ hành lý mà cơ thể hành khách cũng bị xem xét. Bề ngoài, tôi cố bình thản nhưng kỳ thực tim tôi đập thình thịch, có lẽ tôi còn hơi choáng váng nữa.

Mọi thứ diễn ra trôi chảy cho đến khi nhân viên kiểm tra – một phụ nữ trạc ba mươi, không lấy gì làm thiện cảm và mặt mày ảm đạm – phát hiện ra cục pin và chai “nước” trong va – li của tôi. Lập tức, cô ta bắt tôi phải bỏ ra.

Ở phi trường này không được mang pin lên máy bay!

Tức thì tôi rơi vào cơn hoảng hốt. Thiếu pin, bom làm sao nổ được và toàn bộ nhiệm vụ phức tạp, dai dẳng và tốn kém sẽ đại bại, tất cả những nỗ lực của chúng tôi đều sẽ vô nghĩa. Gần như phát khóc, tôi xin người nhân viên trả lại tôi mấy cục pin, nhưng cô ta tỏ ra rất cương quyết và đã có ý nghi ngờ tôi (có mấy cục pin vớ vẩn mà cũng xin xỏ!) Mất cục pin bị vứt vào hòm rác là tôi nhận thấy, cô nhân viên bắt đầu mất bình tĩnh.

Đúng lúc tôi muốn tiếp tục cãi cọ (tôi biết nếu không hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ không thể trở về Triều Tiên), tôi nhận thấy Kim đã đến gần tôi vì ông đã xong thủ tục. Nghĩ là ông có thể cứu vãn tình thế, liến thoắng, tôi kể lại mọi sự cho ông nghe. Kim sa sầm mặt, thò tay vào hòm rác và lấy mấy cục pin ra. Rồi ông cho vào đài, bật ngay xem đài có chạy không.

Cô xem này – Kim nói với người nữ nhân viên kiểm tra – mấy cục pin này để cho vào đài. Chúng tôi đã đi khá nhiều nơi và chưa ở phi trường nào, có ai kêu ca gì về chúng. Nếu cô cấm chúng tôi mang đài trong trạng thái hoạt động được lên máy bay, khi đến Tokyo tôi sẽ khiếu nại tại tòa đại sứ Iraq. Nhưng trước tiên, tôi cũng sẽ có lời tại đại sứ quán Nhật ở Baghdad.

Trong khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu hiểu quyền lực của sức mạnh kinh tế Nhật Bản. Cô nhân viên do dự và nhìn sang một sĩ quan khác đứng bên cạnh.

Xin quý vị thông cảm – người sĩ quan nam tiến đến gần chúng tôi. – Xin quý vị hiểu cho, chúng tôi chỉ thi hành mệnh lệnh. – Anh này cũng do dự một chút, rồi nói thêm. – Tùy quý vị. Quý vị có thể mang đài lên máy bay.

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì trút được gánh nặng. Thế là xong, chúng tôi được đi tiếp. Rồi lại đến một điểm kiểm tra mới, mọi thứ lại bắt đầu từ đầu. Có điều, lần này Kim giấu chiếc đài dưới thắt đai quần và chúng tôi “thoát hiểm” dễ dàng.

Tại Bình Nhưỡng, tôi đã bảo lũ hợi ấy là ở đây, thế nào cũng gặp khó khăn! – Kim lẩm bẩm khi chúng tôi đã đi ra.

Gần đến cửa, chúng tôi thấy có rất nhiều người miền Nam tại phòng chờ. Như thể hai chúng tôi đang ở một phi trường của Hàn Quốc. Tôi tìm hai ghế riêng chưa có ai và ngồi xuống. Kim mang cặp vào phòng vệ sinh nam, nhưng vài phút sau đã thấy ông đi ra.

Mayumi, nhà vệ sinh nam đông nghịt. Cô mang bom vào vệ sinh nữ và đặt giờ nó đi!

Trong phòng vệ sinh nữ, tôi vào một buồng và khóa lại. Tôi đã tập đặt giờ trên trái bom giả cả vạn lần, nhưng bây giờ, khi cầm bom thật trong tay, tự nhiên tôi trở nên hồi hộp lạ thường. Tay tôi run đến nỗi không làm sao trấn tĩnh được. Cuối cùng, tôi nhủ rằng thế nào cũng phải làm việc này một lần! Tôi liếc nhìn đồng hồ, lúc đó là 10 giờ 40. Hai mươi phút sau chúng tôi sẽ lên máy bay. Từng bước một, theo đúng cách của nó, tôi đặt bom sao cho 9 tiếng nữa nó sẽ nổ. Và sau đó, tôi nín thở (vì sợ bom sẽ nổ ngay tức thì vào lúc đó), tôi đặt công – tắc nổ vào vị trí của nó.

Xong! Tôi đã thực hiện điều cần làm! Tôi thở nhẹ nhõm và thấy đau nhói vì từ giờ trở đi không còn đường lui. Trong khoảnh khắc đó, tôi không hề thấy cảm giác tội lỗi, cũng không thấy áy náy lương tâm, trước mắt tôi chỉ có một mục tiêu là phải thực hiện nhiệm vụ. Tôi không thể để Tổ quốc lâm nguy!

Nhưng đi ra phía cửa lên máy bay, nhìn thấy trong gương khuôn mặt của chính mình, tái nhợt và mệt mỏi vì những sự việc đầy kịch tính trong những ngày cuối cùng, bất giác tôi nghĩ trong lòng: sao mình lại đến nông nỗi này?

Trong một giây đồng hồ, tôi như thấy lại khuôn mặt tôi thời thơ ấu, không phải là khuôn mặt của một kẻ trưởng thành mà tôi vừa thấy trong gương. Thế rồi khuôn mặt trưởng thành ấy đột ngột trở nên xa lạ với tôi, như thể tôi trở thành người lớn mà không hề nhận ra giữa chừng, như thể tôi đã quên mất mình là ai. Tôi nhìn thấy khuôn mặt mẹ tôi trong khuôn mặt tôi và thầm hỏi không biết giờ này bà nghĩ gì về tôi. Tôi cảm thấy rất rõ rệt rằng bà không tán thành điều tôi làm, cho dù tôi có được tặng thưởng huân, huy chương gì vì nó đi nữa, và tôi phải mất một lúc mới lôi được mình ra khỏi tấm gương đó.

Khi trở lại cùng Kim trong phòng chờ, ông nhìn tôi vẻ dò hỏi. Tôi gật đầu, mỉm cười nhợt nhạt và ngồi xuống cạnh ông. Chúng tôi chờ đến giờ lên máy bay.

Kim móc một vỉ thuốc và lấy ra bốn viên. Ông cho vào miệng hai viên và đưa tôi hai viên còn lại.

Cái này cho vững thần kinh – ông nói và biết ơn ông, tôi cũng uống hai viên an thần.

Đã đến giờ lên máy bay, người ta thông báo qua loa phóng thanh. Chúng tôi lên chiếc xe buýt để ra máy bay. Khoảng cách từ phòng chờ đến đó chả bao nhiêu, vậy mà tôi vẫn thấy nó thật dài. Màn đêm đã bao trùm Baghdad và phía trước chúng tôi, lừng lững chiếc máy bay sáng choang vì ánh điện.

Nếu giờ đây tôi nghĩ đến đám đông trong phiên tòa khi phán quyết được tuyên, tôi không thể không nhắc lại khoảnh khắc ấy trên xe buýt. Hành khách hầu như đều là người Hàn Quốc, họ trò chuyện huyên náo. Cho dù là người miền Nam, tôi vẫn cảm thấy họ là những người con của dân tộc tôi. Sự chia cắt của đất nước chúng tôi là phản tự nhiên. Tôi phải tự thuyết phục bản thân rằng nhiệm vụ của tôi sẽ phục vụ lợi ích của cả hai miền. Người ta bảo tôi thế và tôi cũng tin như thế.

Nhưng giờ đây, hồi tưởng lại, tôi chỉ còn thấy gương mặt đẫm lệ của những thành viên gia đình trong phòng xử án, và tôi tìm cách liên hệ những gương mặt ấy với những khuôn mặt tươi cười mà tôi thấy trên xe buýt. Càng ngày, tôi càng muốn đoán xem ai có thể là thân nhân của ai.

Xe buýt dừng bánh, tôi không còn thời gian nghĩ ngợi. Chúng tôi xuống xe và đi bộ trên sàn bê – tông dẫn đến cầu thang máy bay. Phía trên thang, hai cô chiêu đãi viên chào đón chúng tôi, còn một cô thứ ba đưa chúng tôi về chỗ ngồi.

Kim đặt hành lý lên chỗ đựng đồ phía trên chúng tôi. Giữa chừng, tôi quan sát ông và thấy ông mệt mỏi biết chừng nào! Trong giây phút ấy, ông trông già nua và yếu ớt vô chừng, nhưng trong ông vẫn toát lên vẻ oai phong nào đó: một điệp viên cựu trào, trong 70 năm của đời mình đã kinh qua biết bao thăng trầm!

Tôi ngồi bên cửa sổ, cạnh Kim, còn ghế ngoài phía đường đi thuộc về một người đàn ông da trắng. Lạ lùng là đối với tôi, tôi thấy nhẹ nhõm vì ông này không phải là người Hàn Quốc, rồi tôi cũng lại băn khoăn suy nghĩ, chả hiểu mấy tiếng nữa ông ta sẽ có hay không trong đám nạn nhân. Quả là một cảm giác đáng sợ!

Khi lên máy bay tôi đã bình tĩnh lại được chút chút, nhưng đến giờ tôi lại thấy sợ. Bên ngoài là bóng đêm, trong máy bay thì như thể có một thế giới nhỏ, riêng biệt bao trùm lên tôi, siết tôi rất chặt. Tôi như ngạt thở trong cái không gian kín này. Hơn thế nữa, có thể bom sẽ nổ trước thời hạn! Bất cứ giây phút nào, tôi cũng có thể bỏ mạng và không ai biết được rằng điều gì sẽ xảy ra. Ý nghĩ ấy thật khó chịu!

Máy bay cất cánh đúng lịch trình. Tôi cố ngủ mà không được, thành thử cứ chờn vờn bên tai tôi tiếng người xung quanh trò chuyện. Đa phần đó là những công nhân Hàn Quốc, chủ yếu làm trong ngành công nghiệp dầu khí và họ mừng rỡ vì được về thăm nhà. Một số người phàn nàn về công ty của họ cũng như hoàn cảnh nơi họ làm việc, và điều này lại chứng tỏ các hãng Hàn Quốc bóc lột người lao động như thế nào, đúng như những gì chúng tôi được học.

Cứ mỗi lần cô chiêu đãi viên đi ngang qua tôi, tim tôi lại đập thình thịch. Gần chỗ của tôi, có một nhân viên an ninh ngồi quan sát hành khách; như thể, anh ta cứ nhìn tôi chằm chằm.

Tôi lại tìm cách tự trấn an. Tôi nghĩ nếu nhiệm vụ thành công, tôi được nhận phần thưởng lớn nhất mà tổ quốc có thể trao cho tôi. Tôi cũng nghĩ đến điều mà tôi được nghe trước khi lên đường ở Bình Nhưỡng: xong việc, tôi sẽ không bao giờ phải làm điệp viên nữa và cả vụ này sẽ vĩnh viễn được giữ bí mật. Tôi nuôi hy vọng được trở về với gia đình, và đây là điều tôi mong ước hơn tất cả mọi thứ khác!

Các hành khách khác đã ngủ, đèn trên máy bay được tắt và chúng tôi chìm trong bóng tối. Chỉ còn tiếng ù ù đều đều của động cơ máy bay. Tôi liếc nhìn Kim, dễ thấy là ông đang luyện thiền rất say sưa. Đồng thời, tôi cũng nhận ra một mạch máu trên cổ ông đập đập theo từng nhịp của tim ông, và ông phải thở rất gấp để lấy dưỡng khí.

Chuyến bay này, cho dù chỉ kéo dài một giờ mà tôi cảm thấy như nó dài vô tận. Mọi lo âu và khó khăn tôi gặp phải trước khi lên máy bay đều không thấm vào đâu với khoảng thời gian này. Tôi không có việc gì khác, ngoài chờ đợi. Khi người phi công nói trên loa rằng chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ hạ cánh ở Abu Dhabi, chỉ thiếu chút nữa là tôi nhảy cẫng lên. Kim và tôi nhìn sang nhau, tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi đều nghĩ đến một điều. Càng gần những giây phút hạ cánh bao nhiêu, tôi càng hồi hộp bấy nhiêu, như thể tôi đã phải bắt đầu đếm ngược để chờ một thảm họa không tránh khỏi.

Rốt cục, máy bay cũng xuống đường băng và phanh lại, nhưng phải mất một lúc mới dừng. Lập tức, chúng tôi đứng phắt dậy và lấy hành lý từ khoang đựng đồ bên trên chỗ ngồi. Tôi sững người trong một thoáng khi nhìn thấy chiếc cặp đựng thuốc nổ. Trông nó quả là vô hại! Khó tin được trong đó lại có một trái bom có thể làm tan tành chiếc máy bay! Tôi rùng mình rồi quay lưng đi thẳng.

Xuống máy bay cũng phải xếp hàng, mà hàng thì di chuyển về phía trước thật chậm chạp! Nhiều hành khách đi Seoul và chỉ xuống máy bay để duỗi chân tay xả hơi. “Nhanh lên nào, lũ chó chết!” – tôi nghiến răng nghĩ thầm. “Đi đi nào!

Khoảng thời gian xếp hàng ở cửa ra của máy bay như thể kéo dài đến vô tận. Tôi luôn sợ sẽ có ai đó nắm vai tôi kéo lại, hoặc họ mang chiếc cặp lại cho chúng tôi vì nghĩ rằng nó bị bỏ quên. Nhưng rồi cô chiêu đãi viên đứng ngoài cửa đã mỉm cười với chúng tôi.

Tạm biệt. Cám ơn quý vị đã đi với hãng chúng tôi.

Chân tôi run lẩy bẩy khi ra khỏi máy bay, hầu như tôi đứng không vững. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy nhẹ nhõm hẳn trong lòng. Như thể, tôi vừa trải qua một thử thách ghê người và tôi được sống sót, không suy suyển. Tôi nhìn Kim, ông mỉm cười.

Nhưng cảm giác nhẹ nhõm của chúng tôi không kéo dài lâu. Tại phòng chờ ở phi trường, một nhân viên an ninh đã thu vé và hộ chiếu của khách “vãng lai” (tức là người chuyển tiếp), và phát một thẻ lên máy bay màu vàng cho những người sẽ đi tiếp chuyến bay đó.

Lập tức, Kim mất bình tĩnh. Theo kế hoạch, chúng tôi lẽ ra phải đi chuyến bay số 603 của Hãng Hàng không Jordanian Airlines qua Amman tới Roma. Nhưng điều nan giải là ở đây: nhân viên an ninh đột ngột yêu cầu thu vé của chúng tôi.

Vấn đề đặt ra như sau: nếu đưa vé theo chặng Abu Dhabi – Amman – Roma cho anh này, khả năng là anh ta sẽ nghi ngờ. Một ông bố và con gái người Nhật tại sao lại bay từ Baghdad sang Abu Dhabi, rồi từ đó bay thẳng qua Amman sang Roma, trong khi thiếu gì chuyến bay trực tiếp từ Baghdad sang Roma? Chúng tôi cũng không thể nói rằng chúng tôi muốn ở lại Abu Dhabi vì muốn làm điều này phải xin thị thực, mà đây là điều “bất khả thi” vì giữa Nhật và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không có quan hệ ngoại giao.

Chúng tôi đâu có lường được những rắc rối như thế. Như chúng tôi được biết, chả phi trường nào khác trên thế giới lại thu vé của hành khách chuyển tiếp. Mọi thứ bắt đầu trở nên nguy hiểm!

Bởi vậy, khi nhân viên an ninh đến thu vé, chúng tôi đã đưa loạt vé trá hình chặng Vienna – Baghdad – Bahrain cho anh ta. Anh này mang vé đi và cho chúng tôi hay: anh sẽ xử lý thủ tục cho chúng tôi lên máy bay.

Bây giờ mình phải làm gì hở bác? – tôi hỏi thầm Kim.

Càng nhanh càng tốt, phải rời Abu Dhabi! – Kim đáp. – Trước hết phải tới Bahrain, rồi từ đó qua Roma.

Giữa chừng, chuyến máy bay 858 cất cánh về hướng Bangkok và Seoul, và tôi nhìn những ánh đèn của nó chìm dần trên bầu trời đêm. Trong tôi, sự chờ đợi và nỗi khiếp đảm hòa trộn khi tôi thấy chiếc máy bay biến đi trong không trung. Tôi không làm sao quên được những người miền Nam và nụ cười của họ…

Thời gian trôi. Phi trường Abu Dhabi vắng lặng trong màn đêm. Người nhân viên an ninh đã thu vé của chúng tôi ngồi ở phía bên kia của phòng chờ, trò chuyện với các đồng nghiệp, đôi lúc anh ta lại liếc nhìn chúng tôi. Rồi Kim đứng dậy và tiến đến chỗ anh ta hỏi về những chiếc vé đó. Anh ta đáp rằng chúng tôi sẽ nhận lại được trước 9 giờ, khi máy bay cất cánh, và từ giờ đến đó chúng tôi chớ lo lắng gì.

Kim ngồi lại, tay xoa mặt và lại phàn nàn rằng ngay từ đầu, ông đã biết lộ trình thế này là quá tệ. Rồi ông nhận ra, trò chuyện như thế có thể khiến tôi lo ngại, ông tìm cách khích lệ tôi.

Tìm nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay bao giờ cũng mất thời gian. Chắc chắn chúng ta đã về lại Bình Nhưỡng khi họ bắt đầu dò tìm chúng ta. – Tuy vậy, có thể thấy rằng bản thân ông cũng không mấy tin vào những gì ông nói, và tôi thì lặng thinh.

Rạng đông, tôi nhìn đồng hồ. Theo đồng hồ của chúng tôi, bom sẽ phải nổ lúc 6 giờ. Bây giờ là 5 giờ 54 phút. Tôi hình dung trước mắt chiếc máy bay, giờ nó đang trên biển Andamán, gần Miến Điện. Rồi đây, bất cứ phút nào nó cũng có thể…

Tôi chìm vào giấc ngủ chập chờn. Khi tôi tỉnh dậy, trời nắng chan hòa và máy bay của chúng tôi chẳng bao lâu nữa sẽ cất cánh. Rốt cục, người nhân viên an ninh cũng trả lại hộ chiếu và vé và chúng tôi lên chuyến bay đi Bahrain. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi ngồi trên máy bay, mừng rỡ vì rời khỏi Abu Dhabi.

Một giờ sau, Chủ nhật ngày 29 tháng Mười một, chúng tôi đến Bahrain. tại đó, chúng tôi cũng không cảm ấy an toàn gì cho lắm và muốn mua ngay vé đi Roma. Vì trong vé chúng tôi, chặng khởi hành là Abu Dhabi nên lẽ ra phải làm lại vé tại văn phòng, nhưng nó lại đóng cửa Chủ nhật. Kim cay đắng vò đầu bứt tai rồi tuyên bố rằng chúng tôi buộc phải ngủ đêm tại Bahrain, và chúng tôi xin thị thực có hạn trong ba ngày tại đây.

Qua điện thoại, chúng tôi đặt phòng tại Khách sạn Intercontinental và đi taxi tới đó. Ở khách sạn, hầu như cả ngày chúng tôi chỉ ngủ vùi. Chả có việc gì cả, chỉ phải chờ đợi.

Sáng thứ hai, chúng tôi đã muốn mua vé đi Roma, nhưng văn phòng vé bảo hết chỗ, phải chờ đến thứ Ba.

Trong ngày, chúng tôi đi vòng vèo khắp Manama để nhập vai du khách Nhật, nhưng cả tôi và Kim đều chẳng nhớ là đã thấy gì. Chúng tôi cũng mua vài thứ lặt vặt để tiêu thời gian. Kim mua vài chiếc bánh mỳ kẹp thịt và chút hoa quả cho bữa tối để ăn trong khách sạn.

Đang ăn, bỗng có chuông điện thoại. Tôi sững sờ đến mức làm rơi quả chuối trong tay. Không ai biết chúng tôi đang ở đây, kể cả các “sếp”. Không có lý do gì để bất cứ ai gọi điện cho chúng tôi cả!

Tôi liếc nhìn Kim và mặt tái đi. Kim nhìn thẳng vào mắt tôi rồi cầm điện thoại.

Vâng?

Kim nghe chừng một phút rồi đặt điện thoại. Ông đứng dậy, tay chắp sau lưng và đi về phía cửa sổ. Tôi hỏi có gì đáng ngại không, nhưng ông không đáp. Nhìn mặt ông, tôi biết ông đang căng thẳng. Tim tôi bắt đầu đập loạn xạ, miệng khô khốc. Vài phút sau, chuông điện thoại lại kêu. Kim lại nhấc máy rồi ra hiệu tôi mang hộ chiếu cho ông. Tôi đưa ông. Ông đọc tên và số hộ chiếu chúng tôi, rồi đặt máy.

Đại sứ quán Nhật họ gọi. – Ông thở dài rồi nói tiếp. – Đừng lo! Không dễ truy ra chúng ta đâu.

Tôi nhìn vào mắt ông.

Cháu không thể tin được! – Quả thực là tôi không hề tin. Đột ngột, tôi có cảm giác là nhà chức trách biết rõ chúng tôi là ai và đang ở đâu.

Kim nhún vai, nét mặt vô cảm. Tôi đứng lên dọn bàn khi chuông điện loại lại kêu. Kim nhác mấy, nghe một chút rồi đặt xuống.

Mayumi, ở sảnh dưới nhà có hai nhân viên của tòa đại sứ Hàn Quốc. Họ muốn lên gặp chúng ta. Cô hãy giả ngủ nhé, để tôi xử lý mọi việc.

Vài phút sau, có tiếng gõ cửa. Kim mở cửa và hai người đàn ông bước vào.

Xin lỗi các anh – sau khi chào hỏi, Kim nói –, nhưng cháu nhà tôi mệt quá, nó đang ngủ.

Ba người ngồi vào bàn. Hai người Hàn Quốc không nói tiếng Nhật nên cuộc trò chuyện diễn ra bằng thứ tiếng Anh “giả cầy”. Bực bội và bất lực, nhiều khi họ văng tục bằng tiếng Cao Ly, nhưng Kim “thủ vai” của ông rất hoàn hảo.

Cuối cùng, hai nhân viên sứ quán nói thẳng. Họ cho biết chuyến bay số 858 tới Seoul của Hãng Hàng không Korean Air đã mất tích cùng 115 hành khách trước khi hạ cánh ở Bangkok, họ nghĩ rằng nó đã bị rơi. Nghe giọng họ, tôi cảm giác họ nghi chúng tôi có liên quan đến vụ này và họ hỏi, chúng tôi muốn đi đâu tiếp.

Tôi hình dung trước mắt chiếc máy bay bị rơi. Phải thú nhận rằng trong khoảnh khắc ấy, tôi không thấy có chút áy náy lương tâm nào, tôi còn mừng rỡ vì nhiệm vụ của chúng tôi đã được hoàn thành, chúng tôi đã trung thành với lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Tôi chắc mẩm rằng sẽ không có Thế vận hội 1988 tại Seoul và rằng, một bước tiến dài đã được thực hiện cho sự nghiệp thống nhất hai miền Nam – Bắc mà tôi cũng được góp phần.

Hai người Hàn Quốc tạm biệt và cho biết hôm sau họ sẽ trở lại. Vài giờ sau, có tiếng gõ cửa. Kim hé mở. Ai đó ném một hộp kẹo sô – cô – la vào phòng rồi đi ngay. Rõ ràng là chúng tôi đã bị theo dõi!

Đêm hôm ấy tôi không tài nào chợp mắt. Kim mệt mỏi và ngủ li bì, cả đêm ông ngáy rất to. Tôi thì nhìn trân trân lên trần nhà và cứ vài phút lại liếc đồng hồ. Gần như tôi bị tê liệt. Tôi nghĩ rằng việc chúng tôi bị bắt chỉ còn là vấn đề thời gian!

Đến sáng, Kim vẫn ngủ mê mệt. Tôi đánh thức ông và hối hả sắp xếp hành lý cho kịp chuyến bay. Khi đã xong xuôi và tôi đang bước ra cửa, Kim gọi tôi:

Mayumi, chờ chút đã!

Tôi quay lại. Gương mặt Kim nghiêm nghị, tôi không chịu nổi và phải rời ánh mắt ông. Ông thọc tay vào túi áo và đưa cho tôi bao thuốc Marlboro mà ông có nhiệm vụ cất giữ tới nay.

Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra – ông nói và khi tôi nhận bao thuốc, tôi thấy tay ông run rẩy.

Tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi đều biết thế là mọi sự đi toi! Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, cả tôi, cả Kim đều không hề nghĩ đến việc phải dùng thuốc độc. Vì cũng không rõ là chúng tôi có đủ can đảm làm điều đó hay không!

Trên đường ra tới thang máy, Kim nhắc đi nhắc lại câu nói mà ông đã buông ra từ hai hôm trước:

Tôi đã bảo với lũ hợi ấy là lịch trình rất tệ. Tôi bảo rồi! Nếu về tới nhà, tôi sẽ làm ầm ĩ vụ này lên!

Chúng tôi ăn sáng mà chỉ trả các hóa đơn. Không quan tâm đến những cái nhìn nghi hoặc của đám nhân viên khách sạn, chúng tôi nhào vào ánh sáng chói chang của buổi sớm mai. Bất cứ ai cũng có thể thấy chúng tôi hoảng sợ. Cho dù gắng sức bao nhiêu đi nữa, chúng tôi không sao tỏ ra bình tĩnh được.

Chúng tôi vẫy một taxi và bảo anh tài chở ra phi trường. Nhìn cảnh vật trơ trụi ven đường, tôi siết chặt bao thuốc lá và cầu Trời để khỏi phải dùng đến nó. Nắm trong tay bao thuốc và biết rằng chỉ một tẹo độc dược trong đó cũng khiến tôi chết tức thì, tôi có cảm giác là lạ. Nghĩ đến đây, tôi đau quặn trong bụng.

Chúng tôi đến phi trường trót lọt và Kim vội vã đi nhận thẻ lên máy bay. Tôi nhìn quanh xem có bị ai theo dõi không, nhưng không thấy gì đáng ngờ. Rốt cục, Kim trở lại và chúng tôi rảo bước về phía cửa. Chúng tôi đứng vào hàng chờ đợi cùng những hành khách đang chuẩn bị lên máy bay và tôi lại hy vọng có lẽ chúng tôi sẽ thoát nạn.

Khi ấy, sau lưng tôi, ai đó nói tiếng Nhật rất sõi:

Xin chị đưa tôi coi hộ chiếu!

Tôi quay lại và thấy một người đàn ông châu Á. Chúng tôi lặng thinh đưa hộ chiếu và ông ta biến luôn.

Kim và tôi bị buộc phải ra khỏi hàng. Chúng tôi chỉ còn biết đứng nhìn dòng người lên máy bay. Trong đầu, tôi bất giác nhớ lại những lời mà ông giám đốc từng nói ở Bình Nhưỡng.

Các đồng chí, nhiệm vụ này phải giữ tuyệt mật! Trong trường hợp xấu nhất, các đồng chí cũng phải sẵn sàng để cắn viên thuốc chứa độc dược để giữ bí mật. Chớ quên rằng, khi từ giã cuộc sống thể xác, các đồng chí sẽ bước vào cuộc sống chính trị vĩnh hằng!

Vâng – tôi nghĩ – con nguyện là đứa con tự hào của Tổ quốc, con hạnh phúc khi được hy sinh đời mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước!

Từ nhiều ngày nay, lần đầu tiên tôi thấy bình tĩnh.

Và đúng lúc ấy, tôi nghe loa báo rằng chuyến bay đi Roma đã cất cánh. Tôi quay ra cửa sổ, thấy chiếc máy bay lăn bánh trên sân khởi động và mọi hy vọng của tôi bay biến. Mọi quyết tâm mấy phút trước của tôi sụp đổ! Cố tỏ ra cứng rắn là điều thừa thãi!

Khi quay lại, người đàn ông châu Á trở lại, tay cầm hai cuốn hộ chiếu của chúng tôi. Gương mặt ông ta toát lên vẻ thê lương.

Các vị phải ở lại đây. Cả hai.

Tại sao? – Kim hỏi.

Tôi là nhân viên tòa đại sứ Nhật tại Bahrain. Hộ chiếu mang tên Hachiya Mayumi là giả mạo. Các vị phải ở lại cho chúng tôi lấy cung. Cảnh sát sẽ tới ngay bây giờ. Tôi cảnh báo các vị, chớ làm điều gì ngu xuẩn!

Ông ta rời chúng tôi ra xa xa và nhìn quanh như thể muốn xem có thực là chỉ có hai chúng tôi không.

Kim chạm vào vai tôi. Tôi quay về phía ông. Mặt ông buồn bã.

Okhva, cháu phải mạnh mẽ lên. Cháu phải cắn ống thuốc. Chúng ta bại lộ rồi. Nếu sống sót, cháu cũng chỉ kéo dài những sự chịu đựng mà cháu sẽ bị. Bác không tiếc gì khi phải chết bây giờ. Bác sống đủ rồi. Nhưng cháu… – giọng ông nghẹn ngào và ông phải ngừng một chút rồi mới nói tiếp được. – … bác thương cháu!

Tôi cảm thấy ông cụ khóc trong lòng và tôi hơi bất ngờ vì biểu hiện nhân tính này của Kim Song Ir. Bởi lẽ, ông là điệp viên bí mật được kính trọng bậc nhất của Triều Tiên, là một nhà cách mạng thực thụ, người chiến sĩ chân chính. Trong chuyến đi này – dù già cả, bệnh tật và dù số phận chúng tôi đã có những biến chuyển bất lợi – không bao giờ ông tỏ ra sợ hãi. Thế mà, giờ đây ông vẫn sụp đổ, không phải do ông mà vì tôi.

Tôi không nói nên lời, chỉ biết tuôn lệ như suối, nhưng tôi gật đầu, tỏ ý sẵn sàng cắn viên thuốc.

Và đúng lúc ấy, trước con mắt của tâm hồn tôi, hình ảnh mẹ tôi hiện về.

Vài dịp khi tôi được về thăm nhà trong thời gian huấn luyện (hai, ba năm được về một lần), mẹ tôi luôn vui mừng vì con gái bà khỏe mạnh. Mỗi khi tôi ra đi, bà phải ráng sức tự chủ để tỏ ra có kỷ luật. Cho dù bà buồn đến mức nào khi xa tôi. Dạo ấy, tôi không mấy nhận ra những cảm xúc của bà. Tôi theo bước người đi kèm trở về trại tập huấn và tự hào vì được đảng lựa chọn. Giờ đây, tôi cảm thấy đã phản bội mẹ tôi, người phụ nữ làm lụng cả đời để nuôi dạy tôi. Tôi hổ thẹn vì tính tự phụ của mình, đến giờ mới nhận ra lỗi lầm thì đã quá muộn. Không đảng phái nào đáng để con người vì nó mà không quan tâm đến gia đình!

Mẹ ơi, tha lỗi cho con! Mẹ hiểu cho con, con xin mẹ…

Tôi phải chết vì không phải chỉ riêng tôi, bà cũng sẽ phải trả giá vì những thất bại của tôi.

Tôi liếc nhìn Kim, ông rít hết điếu thuốc này đến điếu khác bên cạnh tôi.

Cha ơi, ra hiệu cho con biết khi nào cần phải cắn ống thuốc nhé!

Kim đắm chìm trong những suy tư, ông thờ ơ gật đầu. Gương mặt ông vô cảm khi ông nhả ra khói thuốc. Có lẽ ông cũng đang nghĩ đến gia đình…

Khi ấy, bốn, năm cảnh sát Bahrain bước vào phòng và yêu cầu chúng tôi đi theo họ. Chúng tôi bị tách khỏi nhau: tôi bị đưa vào một văn phòng nhỏ, không có gì đặc biệt, để khám người.

Hai phụ nữ làm nhiệm vụ khám người tôi rất kỹ càng. Họ kiểm tra từng ngóc ngách trên cơ thể tôi, không chừa bất cứ chỗ nào. Bộ đồ trang điểm của tôi cũng bị xem kỹ. Tuy nhiên, bao thuốc lá tôi để trong chiếc túi xắc đeo vai thì họ lại không để ý lắm.

Khi tôi trở lại phòng chờ, Kim đã chờ ở đó. Gần bên ông là một cảnh sát Bahrain. Kim nhìn tôi vẻ dò hỏi, bao thuốc vẫn còn giữ được chứ? Tôi mỉm cười cho ông hiểu là vẫn còn và ông thở dài nhẹ nhõm. Ông đưa điếu thuốc Nhật mời tôi hút như thể tôi nghiện thuốc lá nặng lắm và để khi giây phút gay go đến, những kẻ đang canh chừng tôi chớ nghi ngờ.

Tôi chỉ còn chờ khoảnh khắc ấy tới!

Khi tôi nhận điếu thuốc và giơ tay vớ chiếc túi đeo vai để lấy bật lửa, một trong hai nữ nhân viên từng khám người tôi yêu cầu tôi đưa túi cho cô ta. Tôi không thể từ chối. Lấy bao thuốc Marlboro ra xong, tôi đưa túi cho cô. Nhưng cô ta lại ra hiệu tôi đưa nốt bao thuốc lá nữa. Điều này thì không thể được, cho dù họ có nghi ngờ tôi thế nào đi nữa. Tất cả đều ở ống độc dược kia, tôi không thể đưa cho cô ta!

Người nữ kiểm tra viên kêu lên một câu gì đó tôi không hiểu và đưa tay về phía tôi. Tôi liếc sang Kim, ông lắc đầu. Trong một thoáng, tôi sững người và người nữ kiểm tra viên kịp giằng bao thuốc khỏi tay tôi. Không còn suy nghĩ gì nữa, tôi nhào tới và giật lại được bao thuốc lá. Đâu còn có thời gian chần chừ được nữa! Trước khi cô ta kịp phản ứng, tôi cắn đầu ống thuốc. Tôi còn kịp thấy cô ta thét lên và lao vào tôi, nhưng tôi không thèm quan tâm. Tôi lao vào bóng tối ngọt ngào và nhẹ nhõm!

Trong khoảnh khắc ấy, người con gái trung thành của Kim Nhật Thành, kẻ được nuôi dạy trong nhiều năm trường để trở thành lũ cẩu ngoan ngoãn, không còn nữa!

Tất cả đã chấm dứt, tôi không hề cảm thấy chút đau đớn gì. Bóng tối vô biên cuốn lấy tôi như một mảnh chăn êm ái…