Chương 12 – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Hyun Hee

0
2876
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

CHƯƠNG MƯỜI HAI

Chiếc xe chở tù lao vùn vụt trên đường phố Manama ra phi trường. Trời chập choạng tối. Chiếc TV trong xe đang có chương trình thời sự tối. Mặc dù nói tiếng Ả Rập, tôi vẫn hiểu rằng câu chuyện chính là về Hàn Quốc.

Tôi thấy những sinh viên bịt mặt bằng mùi xoa ném bom xăng vào cảnh sát cơ động. Có vẻ những trận chiến ác liệt đang diễn ra tại phố phường Seoul. Cảnh tượng này càng khiến tôi tin rằng xã hội Hàn Quốc là thứ xã hội phát – xít vô phương cứu chữa, và “hạ đẳng“ vô cùng so với Triều Tiên.

Khởi đầu của kết cục là đây!” – tôi nghĩ. Vài giờ nữa, tôi sẽ bị đưa tới Seoul và không gì cứu nổi tôi khỏi sự dã man của chính quyền Hàn Quốc.

Henderson ngồi cạnh tôi, im lặng. Tôi biết chương trình thời sự là mưu mẹo cuối cùng để tôi phải khai trước khi tôi bị đưa đi. Nghĩ lại, hóa ra tất cả những gì diễn ra trong nhà tù đều có một mục tiêu duy nhất. Khi Camilla động viên tôi chớ để bị đưa đi Seoul, bà đã thử những nỗi sợ hãi của tôi. Vì tôi tin rằng tôi sẽ bị tra khảo không thương tiếc ở Seoul, Henderson đã có khả năng sử dụng điều đó trước tôi. Tôi nhớ lại những món quà của Maria: bánh nướng, quần áo, nữ trang. Tôi ngây ngất vì cử chỉ thân thiện của Maria, nhưng đó chính là mục đích của cô ta. Ngoài ra, Maria còn mang đến cho tôi bộ quần áo thể thao: quần, áo “ba lỗ” và áo khoác, rất hợp với nhau. Ở Triều Tiên, đó là thứ ai cũng mơ ước! Trong các cửa hiệu không làm sao mua được, họa ra thì ở chợ đen. Đặc biệt là đồ quần áo ni – lông là đồ quý hiếm, và Maria đã cho tôi đúng những thứ đó. Người phương Tây hẳn sẽ thấy lạ là tại Triều Tiên, những đồ này lại mang tính biểu tượng. Năm 1987, Kim Nhật Thành tặng cho toàn dân một món quà là mọi học sinh trung học và cao đẳng đều được mua một bộ quần áo pha ni – lông. Mẹ tôi cũng tất bật để mua cho Bamso, nhưng ít lâu sau em đã qua đời. Mẹ biết con bà không sống được bao nhiêu nữa nên muốn để cậu được hạnh phúc. Bamso bị quyến rũ bởi món quà, em để bộ quần áo ở đầu giường để có thể chạm vào nó bất cứ lúc nào. Em mỉm cười với mẹ, vẻ hàm ơn, mỗi khi tỉnh lại giữa hai lần bất tỉnh nhân sự. Bamso đã ra đi trong khi vẫn ôm bộ quần áo! Không bao giờ em được mặc nó…

Tóm lại, khi Maria mang cho tôi đúng loại quần áo ấy, cố nhiên tôi đã biết ơn cô. Đồng thời, tôi đã tính đến chuyện chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ bị tử hình và tôi cho rằng bộ quần áo là cử chỉ cao thượng cuối cùng trước khi tôi lên đoạn đầu đài. Ở vào một hoàn cảnh như thế, tôi luôn phải phân tích những “ý đồ’ của những kẻ giam giữ tôi, nhưng mỗi khi tôi muốn suy nghĩ một cách tỉnh táo và khách quan, nhiều khi tôi bị cuốn vào sự bối rối của tình cảm.

Trong xe tù, tôi ăn vận bộ quần áo đó và như thế, tôi sẽ xuống xe tại Seoul khi vẫn mặc nó, tôi nghĩ vậy. Lúc ấy, tất cả có vẻ như đều rất mang tính biểu tượng.

Trên xe, ngoài 4 người lính, còn có Maria. Cô hay nhìn tôi vẻ thương cảm, nhưng lặng thinh. Chúng tôi đã không còn gì để nói với nhau, mặc dù tôi muốn cám ơn cô đã thân thiện với tôi. Khi tôi được các y tá mặc quần áo – tôi thấy họ như sắp khóc – Maria đứng gần đó, gương mặt vô cảm. Hẳn là cô thất vọng vô cùng về tôi, nhưng theo tôi cô hiểu được tôi phần nào…

Sau “sự cố” tại nhà tù, đám lính gác đã không còn tử tế với tôi nữa. Khi xe đến, họ lôi tôi ra ngoài và tống tôi lên xe một cách thô bạo. Tôi thấy còn có hai xe cảnh sát chạy sau, như thế, tôi rời Bahrain với cả một “đoàn” hộ tống!

Khi chúng tôi ra tới phi trường thì trời đã tối. Chúng tôi ra thẳng cửa ra để lên máy bay, giữa những hàng thiết bị bảo dưỡng vì đèn chỉ đường. Khi nghe thấy tiếng động cơ máy bay, tim tôi bắt đầu loạn nhịp, tôi toát mồ hôi lạnh. Thế là hết!

Xe ngừng lại. Tôi được nhấc ra khỏi xe và trước tôi, sừng sững chiếc máy bay của Korean Air như một con quái vật bằng thép. Lòng tôi tràn ngập một cảm giác sợ hãi đến tột cùng, khủng khiếp hơn nhiều so với những gì tôi đã từng cảm nhận.

Tôi gào thét và tìm cách vật lộn với nhóm lính canh, nhưng họ khỏe hơn tôi nhiều. Tay tôi bị xích, chân tôi cũng không thể cử động. Nhóm lính canh kéo tôi xềnh xệch về phía chiếc thang dẫn tới cửa máy bay. Dưới chân cầu thang là hai điệp viên Hàn Quốc đứng chờ đợi, gương mặt không để lộ chút cảm giác nào. Họ khéo léo nhận tôi từ toán lính canh Bahren, nhét vào miệng tôi một thứ gì đó rồi dán miệng tôi bằng băng dính. Đó là một thứ dụng cụ gì đó bằng nhựa để tôi khỏi cắn lưỡi.

Hai điệp viên Hàn Quốc tống tôi lên máy bay như một thứ hành lý. Họ lôi tôi đến đoạn giữa máy bay rồi ấn tôi xuống một chiếc ghế. Bên phải tôi là một nam điệp viên, bên trái là một nữ, và cả hai luôn khoác tay tôi. Tôi khóc nức nở và một người thứ ba thì lau nước mắt cho tôi. Anh này nói nho nhỏ gì đó để dỗ dành tôi, thấy vậy, người nữ điệp viên bên trái tôi bảo.

Kệ cô ta, rồi cô ta sẽ tự khắc im thôi.

“Giá mình có thể chết được! ”, tôi nghĩ, không biết rằng những gì xấu nhất còn ở sau lưng tôi…

Trong những phút đầu của vụ giam cầm mới này, tôi đã phạm phải sai lầm đầu tiên và cũng mang tính quyết định. Lại một điệp viên nữa tới chỗ tôi và xem bàn tay tôi.

Đây là tay của một điệp viên được huấn luyện bài bản – anh ta nói với người ngồi cạnh tôi. – Các cậu thấy cô ta để mở bàn tay không?

Lập tức, tôi nắm chặt tay. Bằng hành động này, tôi đã chứng tỏ – một cách vô ý thức – rằng tôi hiểu tiếng Cao Ly.

Chiếc máy bay cất cánh mà không hề có thông báo gì. Nó chỉ chở mình tôi, nên không hề có đội chiêu đãi viên. Tôi thấy hơi tức cười vì cả một chiếc máy bay chỉ chở một người Triều Tiên. Đại đa số dân Triều Tiên không bao giờ được ra nước ngoài. Muốn xuất ngoại, cần có ô dù, hoặc phải có quan hệ đặc biệt với gia đình họ Kim.

Ngoài trời đã tối mịt, trong ca – bin sáng đèn. Chuyến bay này không ai ngủ được, và tôi thì càng không.

Tôi tìm cách sắp xếp lại những gì người ta đã biết về tôi. Tôi dùng hộ chiếu Nhật giả mạo, tôi muốn tự sát, và tôi thạo võ thuật. Từ đó, cũng chưa có gì trực tiếp suy ra tôi có liên quan đến vụ nổ máy bay, tuy nhiên, đã hình thành một bức tranh cho phép kết luận về tội trạng của tôi một cách xác quyết.

Cô thấy trong người thế nào? – người nữ điệp viên ngồi cạnh tôi hỏi, bằng tiếng Nhật.

Nói với cô ta bằng tiếng Hàn ấy! – người điệp viên ngồi bên phải tôi nói xen vào.

Nhưng khi họ lên tiếng bằng tiếng Cao Ly, tôi giả bộ như không hiểu gì cả; vì vậy, người nữ điệp viên đôi lúc nói với tôi bằng tiếng Nhật.

Chuyến bay như dài vô tận. Tôi chìm đắm trong suy nghĩ không biết sẽ bị hành hạ như thế nào khi đến Seoul. Dìm trong nước, dùng kìm búa, hay thanh sắt nung nóng – hình như người Hàn Quốc thường sử dụng những nhục hình như thế. Trên cả chặng đường, tôi run rẩy vì sợ hãi và khi được đắp lên vai một chiếc chăn, tôi cũng vẫn tiếp tục run như cầy sấy. Giữa đường, một điệp viên nói:

Dù cô ta phạm phải tội ác tày trời như thế, nhưng các cậu có thấy cô ấy giống nàng công chúa ngủ trong rừng không?

Tôi thầm nghĩ “hội này chỉ nói nhảm”, và chỉ về sau tôi mới biết tay điệp viên muốn ám chỉ nàng Bạch Tuyết. Đối với tôi, “điển tích” ấy không nói lên điều gì cả, vì tại Triều Tiên văn học phương Tây bị cấm đoán, và sách vở dành cho trẻ em chỉ độc một đề tài ca ngợi Kim Nhật Thành. Một bận, một điệp viên mang trộm được vào trại huấn luyện cuốn “Ngàn lẻ một đêm” và chúng tôi đọc nó, vừa hồi hộp, vừa sợ hãi.

Để “tiêu” thời gian, và giữ được tinh thần quả cảm, tôi hát thầm nhiều lần bài “Hành khúc những đội xung kích”:

Các đồng chí, hãy chuẩn bị vũ khí

Tiêu diệt quân xâm lược đế quốc

Tiến lên, hãy dũng cảm chỉ tiến chứ không lùi

Dù phải liều thân, cũng phải cho quân xâm lược nếm mùi!

Hãy lao mình vào trận cuối cùng

Để cuộc chiến ngày mai mang lại thắng lợi

Hãy siết chặt vũ khí trong tay

Dù phải liều thân, cũng phải cho quân xâm lược nếm mùi!

Và tôi cũng nhớ đến gia đình. Tôi hồi tưởng lại cảnh bà ngoại đến thăm tôi, nhiều tháng trước khi tôi về thăm nhà lần cuối. Đã 15 năm tôi không được gặp bà và bà khóc òa khi rốt cục hai bà cháu cũng được thấy nhau.

– Ôi, Hyun Hee – bà ôm tôi vào lòng -, bà sống đến giờ cũng bõ vì đã được thấy lại cháu. Bao năm qua, bà luôn mường tượng khuôn mặt cháu!

Tối hôm ấy, chúng tôi ăn món “sinsullo” của Triều Tiên, ai nấy đều vui như hội và chúng tôi lại nhắc đến “những ngày xưa tháng cũ đẹp đẽ”. Hyon Ok, lúc đó vừa lấy chồng, cũng đến.

Một chút sau, có tiếng gõ cửa dồn dập. Mẹ tôi ra mở. Một thanh niên đầm đìa mồ hôi đứng ở ngoài và kể với giọng run rẩy, rằng chồng của Hyon Ok vừa qua đời ngày hôm trước bởi một cơn đau tim đột ngột khi anh đang bơi ở Chhangvanvon.

Bởi, việc đưa khách đến bể bơi lớn nhất của Triều Tiên cũng là một phần công việc của hướng dẫn viên du lịch. Còn trẻ, nhưng đã từ nhiều ngày nay, anh than phiền vì phải làm việc quá sức, và Hyon Ok thì lại an ủi, bảo “anh đừng lo”.

Và thế là anh ra đi, để lại Hyon Ok mới qua tuổi hai mươi, góa bụa. Trước khi nhận được tin dữ, phòng khách gia đình tôi tràn ngập tiếng cười, từ đó trở đi chỉ còn tiếng than vãn khóc lóc.

Tôi hồi tỉnh. Ánh sáng ban ngày rọi vào cửa sổ máy bay và tôi cảm thấy nó hạ độ cao rất nhanh chóng. Tim tôi lại đập thình thịch khi một giọng nói cất lên:

Chúng ta sắp tới Seoul rồi!