Chương 13 – Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Hyun Hee

0
3573
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

CHƯƠNG MƯỜI BA

Chiếc máy bay xóc mạnh khi tiếp đất. Khi nó giảm vận tốc, một điệp viên đến chỗ tôi, tay cầm chiếc áo lông.

Ngoài kia trời lạnh – anh ta nói. – Mặc vào đi cô.

Tôi được phép đứng dậy, người ta cởi chiếc còng trên tay tôi. Sau khi mặc xong áo, tôi lại bị còng.

Máy bay dừng lại. Một cánh cửa được mở ra, không khí lạnh tràn vào. Sau vùng đất Bahrain nhiệt đới, sự khác biệt thật lớn. Có một cái gì đó trong bầu khí quyển khiến tôi liên tưởng đến Bình Nhưỡng, và trong một nháy mắt tôi cứ ngỡ chúng tôi vừa hạ cánh xuống sân bay Sunan. Nhưng khi vừa đến cửa, nhìn ra ngoài, không phải là Sunan rồi!

Kích thước của phi trường này thật là bề thế. Có hàng chục chiếc máy bay xung quanh chúng tôi, cứ mỗi phút lại có bao máy bay cất và hạ cánh. Phi trường hoành tráng không kém gì ở châu Âu!

Tôi liếc thấy một đám đông các ký giả chờ đợi phía dưới, tay cầm máy ảnh. Một chiếc thang được lăn tới cửa ra. Tôi nhắm nghiền mắt, như thể nếu làm vậy tôi có thể biến khỏi cái nơi khủng khiếp này.

hanquocngaynay.info  - Giot le trong hon - Kim Hyun Hee

Tôi được giải ra cầu thang. Đèn máy ảnh chớp lia lịa, nhóm phóng viên hồi hộp thì thào với nhau.

Cô gái này thật tuyệt! – ai đó kêu lên. – Người đẹp thế mà sao lại đi khủng bố?

Các điệp viên đang đưa tôi ra dừng lại một chút để tốp phóng viên nhiếp ảnh làm việc. Ai cũng hò hét bảo tôi nhìn về phía họ và tôi bối rối đến mức lại òa khóc. Đây không phải lần đầu, khi tôi cảm thấy mình như một món hàng đựng trong tủ kính.

Ơ kìa, cô em, bình tĩnh nào! – một người khác kêu lên. – Đang ở Seoul đấy nhá!

Cuối cùng, tôi được đẩy vào chiếc limousine và xe tôi phóng đi. Tôi đờ đẫn ngồi, đầu cúi gằm, mắt nhắm nghiền, và không làm sao nín được khóc.

Sao cô không nhìn ngó đó đây? – một điệp viên hỏi. – Cô không tò mò xem Seoul thế nào à?

Sao lại không, tôi rất tò mò là đằng khác! Dân Triều Tiên nghĩ đến Seoul với vẻ kính phục sâu sắc, cho dù chúng tôi được nghe là thành phố này nghèo khó, trụy lạc và đầy rẫy tội phạm. Nếu hai miền Nam – Bắc được thống nhất, Seoul sẽ là viên kim cương của cả nước. Có điều, tôi mệt mỏi và chua xót đến mức không còn đầu óc đâu mà nhìn ngó nữa.

Còn ai đi sau chúng ta không nhỉ? – một điệp viên hỏi người lái xe.

Không, mình vượt hết bọn họ rồi.

Tuyệt vời! Phóng thẳng tới Namsan nhé!

Mặc dù xe chạy rất nhanh, nhưng cũng có lúc phải dừng. Trong cả khoảng thời gian ấy, tôi nghe thấy tiếng của vô số xe hơi xung quanh chúng tôi. Giả sử nhìn ra ngoài, tôi sẽ phải sững sờ khi thấy tài xế đều là dân Hàn Quốc. Nhưng vì cúi đầu và nhắm nghiền mắt, khi ấy tôi cứ ngỡ sở dĩ tôi nghe thấy tiếng nhiều xe cộ như thế, vì Seoul đang bị nước ngoài chiếm đóng.

Tôi cảm thấy mình như con bò bị đưa vào lò sát sinh. Tôi chỉ chờ đợi khi nào đến nơi. Quá mỏi mệt với cuộc đời này, tôi thành thực muốn từ giã nó để vào cõi chết. Và khi đó, có cái gì khiến tôi đau nhói. Người điệp viên vừa nhắc đến cái tên “Namsan”. Đó chỉ có thể là trung tâm hỏi cung khét tiếng, một huyền thoại của giới điệp viên Triều Tiên. Người ta truyền tụng rằng ở tầng hầm luôn diễn ra những cuộc tra tấn, nhục hình ghê tởm. Không một người Triều Tiên nào có thể trở về từ Namsan.

Tôi kiệt sức, hình như tôi còn ngất lịm đi. Chỉ khi xe dừng bánh và cửa được mở, tôi mới tỉnh lại.

Trời ơi, đừng, mình ở đây rồi sao? Rồi mình sẽ thế nào? Trò tra tấn nước, khi dạ dày nạn nhân bị nhồi nước cho đến khi vỡ tung. Hoặc hành hạ tình dục, người ta dùng cái cọc…

Đến nơi rồi – người nữ điệp viên ngồi cạnh tôi bảo. – Giờ cô có thể được nghỉ ngơi.

Tôi được đưa vào một căn phòng và họ bảo tôi nằm lên giường. Một bác sĩ khám cho tôi rồi tuyên bố:

Cô ấy hoàn toàn bình thường, chỉ mệt mỏi quá thôi. Sẽ để cô ấy ngủ một thời gian.

Phải! Nhưng trước hết anh tiêm cho cô ta một chút đường nho đi. Chắc chắn mức đường trong máu cô ta bị tụt đấy.

Tôi nhắm nghiền mắt khi người bác sĩ chọc mũi kim vào tôi. Chắc chắn đây là loại thuốc bắt tôi phải khai sự thật! Tôi hơi mất bình tĩnh, nhưng rồi chìm vào giấc ngủ chập chờn.

Khi tỉnh dậy, tôi nghe những tiếng nói lọt vào buồng qua cửa ra vào. Cửa đóng nhưng tôi vẫn nghe rõ mồn một.

Thế này chỉ tổ mất thời gian thôi! – một giọng nam gào to. – Phải bỏ cái “rọ” trong miệng cô ta ra và bắt đầu ngay cuộc hỏi cung!

Nguy hiểm đấy! – một giọng nữ kêu lên. – Sếp vẫn chưa cho phép chúng ta mà!

Cậu ạ, tôi chịu trách nhiệm đấy! – người đàn ông vặc lại. – Thế nào thì cũng phải bắt đầu vào một lúc nào đó chứ.

Tất cả im lặng rồi vài phút sau, một nam sĩ quan thẩm vấn bước vào phòng và lấy chiếc “rọ” bằng nhựa khỏi miệng tôi. Miệng tôi khô khốc, họng đau rát nhưng đau đớn nhất vẫn là chỗ dán băng dính. Khi người sĩ quan tước nó ra, một mẩu da tôi cũng theo kèm, nhưng tôi cố để không kêu lên. Kể từ khi rời Bahrain, tôi hoàn toàn sụp đổ và giờ thì tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải tỏ ra can trường một chút.

Từ lúc ở phi trường đến giờ tôi mới mở mắt lần đầu. Căn phòng quét vôi trắng này không có cửa sổ. Ngoài chiếc giường, còn hai bàn làm việc, một đi-văng và vài chiếc ghế. Da tôi tím tái khi tôi nhìn quanh và thầm nghĩ, không biết bao nhiêu người ái quốc, bao nhiêu nhà cách mạng Triều Tiên đã bị sát hại trong căn phòng này.

Ba người bước vào, như thế trong phòng đã có hai đàn ông và hai phụ nữ. Tôi lấy hết nghị lực để bước vào cuốc chiến tâm lý mà tôi đã tính đến. Các điệp viên này đều lịch sự, nhưng không gì qua khỏi con mắt của họ. Đó là những kẻ rất nhà nghề, kiểu như nhân viên KGB hay CIA, của Hàn Quốc.

Họ cho tôi uống một thứ nước gì như sữa và chẳng mấy chốc, tôi lại lăn ra ngủ li bì. Khi tôi thức dậy, cả ba người vẫn ở đó như thể không hề động đậy. Bên hai chiếc bàn làm việc là một người đàn ông và một phụ nữ, họ theo dõi tôi và ghi ghi chép chép. Một người phụ nữ khác đứng bên chân giường tôi, còn người thứ tư dựa vào tường cạnh cửa ra vào. Bên ngoài, có những tiếng ồn ào khiến tôi nghĩ rằng có lẽ đang là buổi sáng. Một lúc sau, người phụ nữ đứng bên giường tôi bảo tôi dậy. Tôi cố gắng làm theo lời cô ta, nhưng trong người yếu đến mức phải để cô ta giúp đỡ. Vịn vào cô, tôi ra nhà tắm và tại đó, cô cởi hết quần áo của tôi và tắm rất kỹ cho tôi. Tôi ngượng ngùng vì bị lột truồng như thế, nhưng nước nóng khiến tôi vô cùng dễ chịu. Những kẻ đang giam giữ tôi xử sự với tôi rất tế nhị, nhưng tôi đoán rằng đây chỉ là mẹo để họ chiếm được sự tin tưởng của tôi. Với con mắt soi mói, tôi nhận ra ngay bánh xà phòng là hàng ngoại nhập. Ở miền Bắc, chúng tôi chỉ dùng đồ nội, cho dù chất lượng không thật tốt.

Tôi được phép chải răng, lần đầu tiên kể từ khi ở Bahrain. Rồi, tôi nhận quần áo sạch tinh tươm. Tất cả quần áo tôi nhận được đều có nhãn Hàn Quốc và gần như tôi chưa thấy loại đồ lót và bộ thể thao nào chất lượng hơn những thứ này. Chả hiểu, tại sao người ta phải phí phạm những thứ đắt đỏ đến thế cho một tên tội phạm, tôi nghĩ thầm, chắc hẳn là chỉ để tôi cung khai đây mà.

Tôi trở lại về phòng và được nhận một ly cà phê. Từ bao ngày nay tôi đã thèm cà phê rồi. Ly cà phê nóng vô cùng, tôi buộc phải thổi hơi nước nóng bỏng trên miệng ly. Một điệp viên bảo người bên cạnh:

Tôi chắc chắn cô ta là người Cao Ly. Chỉ có dân Cao Ly mới thổi hơi nóng như thế.

Trước khi kịp suy nghĩ, tôi đặt ly cà phê xuống bàn.

Bọn khốn kiếp!

Tôi đứng dậy, ra nhà tắm và đổ hết ly cà phê. Đang trong khi rửa chiếc cốc, một nữ điệp viên bưóc vào và bảo tôi cứ vứt cốc đi. Tôi sửng sốt. Chiếc cốc nhựa vẫn nguyên vẹn, hoàn toàn có thể dùng lại được. Tôi coi đây là sự phí phạm kinh khủng và càng tin rằng, vì thế Hàn Quốc mới bị nghèo đói, nợ nần.

Rồi tôi có một bữa sáng ê hề: trứng, cơm và kim chi, món ăn “quốc hồn quốc túy” mà cả dân tộc Cao Ly ưa thích. Tôi không muốn ăn, nhưng không thể cưỡng lại sự quyến rũ của những mùi vị thơm ngon: chẳng mấy chốc, tôi đã ăn sạch! Sau đó, tôi hỏi bằng tiếng Nhật rằng hôm nay là mùng mấy? Họ bảo, ngày 17 tháng 12, nghĩa là đã 17 ngày trôi đi từ sự kiện đáng tiếc tại Bahrain. Tôi cũng ước lượng gần gần như thế và nghĩ thầm chả hiểu mình còn chịu đựng được đến bao giờ.

Tôi lại phạm phải một sai lầm mang tính quyết định nữa khi nghe hai nữ điệp viên bàn bạc về… chu kỳ kinh nguyệt của tôi. Vì cũng phải để ý điều này, tôi viết lên một tờ giấy: “24” – có nghĩa là chừng 24 tháng chạp tôi sẽ có kinh. Lúc đó, họ không quan tâm lắm đến điều này và tỏ ra háo hức hơn khi trò chuyện về kỳ bầu cử.

Cậu bầu cho ai?

Cậu biết không, gia đình tớ không thống nhất đâu: đàn ông thì muốn bầu cho X, phụ nữ lại khoái Y. Thành thử tớ cũng sẽ bỏ phiếu cho Y.

Nghe mà tôi chả hiểu tí gì cả. Tôi xuất thân từ một xứ sở mà cư dân tại đó coi mình may mắn vì chỉ có một ứng cử viên duy nhất – Kim Nhật Thành – để chúng tôi bầu làm chủ tịch trong mọi hoàn cảnh. Sáng kiến “bầu cử tự do” có vẻ là một khái niệm hoàn toàn hỗn loạn, tôi không làm sao hình dung được dân Hàn Quốc có thể đồng thuận với nhau trong bất cứ vấn đề gì như thế nào.

Tại Triều Tiên, cứ bốn năm lại có những kỳ bầu cử. Ở tất cả mọi khu vực, bao giờ cũng chỉ có một ứng cử viên duy nhất do Đảng Công nhân đề cử, và người dân có thể bầu hoặc không cho người đó.

Nhiều tuần trước kỳ bầu cử, người ta đã tổ chức những cuộc họp hành, diễu hành, hội thảo để đến khi bỏ phiếu, tỉ lệ đi bầu phải đạt một trăm phần trăm. Cố nhiên, trên 17 tuổi, luật buộc mọi người đều phải đi bầu, nên tất cả khẩu hiệu và và lễ lạt chỉ mang tính cổ động.

Đến ngày bầu cử, từ bảy giờ sáng, ai nấy đã xếp hàng rồng rắn tại các đơn vị bỏ phiếu. Thông thường, gần các phòng phiếu, bao giờ cũng có một đội nhạc để đảm bảo bầu không khí vui nhộn. Cử tri được kiểm tra, rồi nhận một phiếu bầu, trên đó có đóng sự lựa chọn “đồng ý”. Sau đó, cử tri bước vào phòng, nơi có ba viên chức đang ngồi, rồi tiến tới nơi đặt những tấm ảnh các thành viên gia đình họ Kim, cúi đầu chào. Rồi, cử tri chỉ việc bỏ lá phiếu “đồng ý” vào hòm phiếu đặt dưới loạt ảnh. Ai không muốn “đồng ý”, kẻ đó chỉ việc không bỏ phiếu vào hòm. Cố nhiên, tôi không cần phải nói là trước mặt các viên chức ngồi đó, chả ai dám làm điều đó!

Đến bữa trưa, tôi được ăn cháo và rong biển phơi khô. Tại Cao Ly, món sau này được coi là “sơn hào hải vị”, nhưng vì nhập vai người Hoa, tôi phải hỏi những người canh giữ tôi rằng chả lẽ tôi phải ăn giấy cháy này à? Họ chỉ mỉm cười và không nói năng gì cả. Rồi họ bắt đầu kể truyện tiếu lâm.

Ai là người cứ nói hoài, dù được để ý hay là không?

Chính khách à?

Gần đúng. Giáo viên!

Hoặc:

Quan tòa hỏi một tên trộm tại sao lại… ăn trộm. Tên này trả lời, “vì tôi đói”. Nhưng khi vị quan tòa lưu ý tên đạo chích rằng, lần gần nhất, hắn đã cuỗm một đôi giày, nhân vật của chúng ta phẫn nộ:

Thế quý tòa nghĩ, không lẽ tôi đi chân đất ăn trộm?

Hay:

Một người Nga bị đày đi Siberia vì tội “có thái độ không yêu nước”. Anh ta nói với quan tòa:

Giời ạ, quý vị cứ hay bảo ở Mỹ tệ lắm, sao không đày tôi sang đó cho tôi nhờ?

Tôi phải chạy ra phòng tắm để họ khỏi thấy tôi phì cười. Đối với cái tai người Triều Tiên, những câu chuyện tiếu lâm này thật kinh khủng và dù có ở trong hoàn cảnh đáng lo sợ đến thế nào đi nữa, chúng đã tác động đến tôi. Tôi mở vòi cho nước chảy để lấp đi tiếng cười trong cổ họng. Từ bao tuần nay, tôi mới được cười như thế.

Các điệp viên Hàn Quốc thực sự nhà nghề, họ đối xử với tôi một cách rất tôn trọng. Họ biết, điều này sẽ mang lại kết quả nhanh hơn là dùng nhục hình hoặc gạn hỏi cụ thể. Chỉ việc cùng sống bên họ, và bản thân tôi cũng là người Cao Ly, nên tôi đã từng bước đầu hàng!

Một ngày nọ, các nữ điệp viên nảy ra ý kiến: chúng tôi đừng ngồi im lặng như thế, mà hãy hát hò gì đó cho vui. Một cô tên là Pak Lin mở đầu với một bài hát có tựa đề “Chú thỏ con bên núi” mà tôi có nhận ra. Đây là một bài dân ca, đã bị Kim Chính Nhật cấm vì chính quyền muốn chúng tôi hát những ca khúc tuyên truyền ái quốc hơn. Trong khi hồi hộp nghe bài hát, những hồi ức thời thơ ấu lại tràn về trong tôi.

Thời thơ ấu đẹp đẽ, tôi sống trong thung lũng nở hoa,

Ngàn, vạn cành đào trùm lên tôi,

Dạo ấy, tôi coi làng nhỏ bên núi của tôi như một tòa cung điện,

Giá giờ đây, tôi được thấy lại Người, cung điện đầy hoa của tôi!

Trong lòng, tôi nhẩm hát cùng Pak Lin. Tôi nhớ lại căn nhà nhỏ của bà tôi ở Kesong, ngôi nhà mái gỗ xây theo kiểu cổ giữa những ngọn núi tuyệt đẹp, trước của nhà có một con suối. Mùa xuân, cả làng tràn ngập trong biển hoa, hệt như lời bài hát.

Đến lượt tôi phải hát. Tôi chọn “Hoa mận”, một ca khúc Trung Quốc mà ai cũng biết.

Hoa mận, hoa mận, hoa mận ở mọi nơi,

Hồn ta mạnh mẽ như cành mận,

Hoa nở khi giá băng giận giữ, hoặc khi nắng chói chang,

Hoa mận, nhành hoa đẹp đẽ của Trung Hoa.

Vừa kết thúc, một nam điệp viên bảo tôi bằng tiếng Nhật:

Sao cô không hát một bài tiếng Hàn có hơn không, cô đang ở Hàn Quốc mà. Như thế mới là lịch sự!

Mọi người vỗ tay hưởng ứng và khích lệ. Tôi phản đối, bảo rằng tôi chả thuộc bài hát tiếng Hàn nào cả. Cuối cùng, tôi phải chịu thua và lẩn nhẩm hát một ca khúc mà tôi đã thấy trong TV. Tôi thấy nên hòa mình vào trò chơi này thì hơn.

Rồi, một nữ điệp viên cất giọng hát một ca khúc Hàn vô cùng da diết:

Những gương mặt mỉm cười, đàn chim cất lời hót,

Chuông giáo đường vang tiếng, những nhành hoa hé nở,

Người yêu tôi bỏ tôi, lên Seoul tuyệt đẹp,

Và, tôi mong ước được lên Seoul với người tôi thương!

Nghe hát, trong tôi nảy ra một suy nghĩ. Tôi bắt đầu ngẫm nghĩ, phải chăng Seoul quả thực đẹp đẽ, và qua lời ca của người nữ điệp viên, tôi đoán là chắc hẳn phải như vậy. Nhưng rồi tôi tự nhủ. Tinh thần cách mạng mà tôi được dạy dỗ ròng rã tám năm nay, đâu rồi? Sự trung thành ở mức cao nhất của tôi, với Tổ quốc, biến đâu? Thế mà tôi để mặc cho những con người này cám dỗ và tôi không còn nghị lực chống lại!

Về sau, các nhân viên thẩm vấn đặt cho tôi vài câu hỏi đời thường về tôi, nhưng về mặt hình thức, tôi không bị hỏi cung. Họ trò chuyện với tôi như thể tôi là bạn của họ, còn tôi thì thuật lại câu chuyện cổ tích mà Henderson đã được nghe ở Bahrain. Có vẻ như họ tin tôi, họ không nói câu nào thô bạo hay khiêu khích, chỉ có điều đôi lúc họ có ghi chép. Đúng là có một số câu hỏi của họ khiến tôi khó xử khi trả lời.

Cô có nhớ một tài tử điện ảnh nào mà cô đã xem trên TV ở Ma Cao không?

Lý Tiểu Long.

Sở dĩ cô cắn ống thuốc độc vì Shinichi bảo cô phải như thế?

Vâng…

Nếu cô là người Hoa, cô phải gặp nhiều người Hàn. Thế mà cô lại bảo cô không hề biết một câu tiếng Hàn nào?

Thì… có chứ… ganna (con đĩ).

Một điệp viên giơ tấm ảnh Kim Nhật Thành trước mặt tôi:

Cô thấy người này bao giờ chưa?

Tôi nhìn rất kỹ.

Có, hình như là trong TV.

Tên ông ta là gì?

Chin Le Chung – tôi đáp, nói theo âm tiếng Trung.

Buổi tối, khi tôi cố chợp mắt, tôi nghe được câu chuyện của họ.

Sử dụng một cô gái như thế vào mục đích chính trị là điều không thể tha thứ được!

Tôi biết. Tội ác là tội ác, nhưng thực sự, tôi thương cô ta.

Phải trừng phạt thằng khốn Kim Nhật Thành!

Tôi rất muốn nhào ra khỏi giường để hét vào tai họ: “Đồ chó chết! Sao chúng mày dám gọi lãnh tụ vĩ đại là “thằng khốn”? ” Ở đất nước tôi, không thể có tội lỗi nào lớn hơn thế. Kim Nhật Thành đối với người dân Triều Tiên khác chi Trời đối với Đất. Nhưng, cố nhiên, tôi chẳng làm được gì cả…

Hôm sau, ngày 18 tháng 12, tôi mới thực sự bắt đầu bị lấy cung. Các nhân viên thẩm cung lịch sự, nhưng họ làm việc rất tỉ mỉ và đòi hỏi ở tôi những chi tiết mà, mặc dù tôi cố đến thế nào đi nữa, cũng không làm sao đáp ứng được. Họ hỏi tên phố xá ở khu vực mà tôi bảo là nơi tôi trưởng thành. Họ hỏi tên các rạp phim mà tôi từng đi xem. Họ đề nghị tôi vẽ lại ngôi nhà của Shinichi và không ngừng nghỉ, họ gạn hỏi tôi về thời gian tôi ở Nhật. Vì đã bao giờ đặt chân tới Nhật đâu, tôi bất lực, không sao đưa ra được những câu trả lời đáng tin một chút. Và giữa chừng, họ thường xuyên trò chuyện về tôi bằng tiếng Hàn, họ đưa ra những nhận xét này nọ.

Cô gái này ngu lắm, không làm gián điệp được đâu – một người đàn ông nói và anh ta theo dõi xem tôi phản ứng ra sao.

Ngày hôm sau thật kinh hoàng: một nhân viên mới đến hỏi cung tôi. Đó là một người đàn ông điển trai, chạc ngũ tuần, ăn vận âu phục màu đen lịch sự, hút thuốc lá Mỹ liên hồi. Bằng tiếng Trung, ông ta bảo tôi làm một bảng theo trình tự thời gian về đời tôi, với đủ những tên tuổi, mốc thời gian và các sự kiện quan trọng nhất.

Chúng tôi biết cô là người Triều Tiên – giữa chừng, ông ta buông lời nhận xét. – Hay hơn cả là cô hãy thú nhận đi.

Tôi không để tâm tới lời nhận xét ấy. Làm xong bảng, tôi đưa cho ông ta. Liếc mắt nhìn, ông ta nhăn trán rồi vò nát tờ giấy và quẳng vào sọt rác.

Rõ ràng là cô ta nói dối! – ông ta bảo những người còn lại.

Khi ấy, tôi bật ra, bằng tiếng Trung:

Tôi nói dối gì nào?

Ông ta nheo mắt giễu cợt như thể muốn nói: “Tôi có cần nói tiếp nữa không nào?” Rồi, châm thêm một điếu thuốc, ông ta nhìn tôi: – Cô nói tôi nghe – ông ta thổi khói thuốc theo đường mũi –, ở Nhật cô xem TV gì? Ý tôi là, TV hiệu gì?

Azalea.

Ông ta lại nhăn trán, còn các điệp viên khác thì phá lên cười. Azalea là một thương hiệu của Triều Tiên, có điều tôi bối rối quá nên chả nghĩ trong đầu được cái gì nữa.

Thế cô thường xem kênh gì? – lại một câu hỏi mới.

Trời ạ! – tôi đứng dậy – tôi đã phát ngán cái trò cứ phải trả lời đi trả lời lại những câu hỏi nhàm chán này rồi. Sao các ông cứ đặt đi đặt lại những câu hỏi này thế? Nếu coi tôi là kẻ có tội, các ông giết quách tôi đi cho rồi có hơn không?

Tôi nhào ra giường khóc nức nở. Tôi không xứng đáng để trở thành một điệp viên bí mật. Tôi thiếu sự quyết tâm trong tinh thần, một phẩm chất không thể thiếu được, và óc phân tích của tôi cũng không đủ khéo léo. Tôi thèm được về nhà, với gia đình, muốn vĩnh viễn quên đi rằng đã được đảng lựa chọn. Tôi thầm nghĩ: giá tôi được chết để thay cho em Bamso…

Ngày qua ngày, tôi càng bị tra hỏi ngặt nghèo hơn. Họ hỏi tôi được Shinichi trả bao nhiêu lương, tôi để dành được bao nhiêu, cất ở ngân hàng nào. Họ gạn hỏi tôi đi taxi ở Nhật bao giờ chưa và khi tôi bảo rồi, họ đề nghị tôi vẽ lại chỗ ngồi dành cho khách. Tòa nhà phi trường Narita màu gì, mấy tầng? Ở Quảng Châu, tôi đã đến một địa danh tên là Shaomen chưa?

Rồi họ bắt tôi viết tên mình ra giấy. Tôi viết bằng tiếng Trung: Pai Chui Hui. Họ mang giấy đi rồi vài phút sau, đã trở lại với một tập giấy, trên đó có chữ ký của tôi với đủ kích thước to nhỏ. Đúng, chữ ký của tôi, mà làm sao họ làm nhỏ lại được như hạt vừng, và phóng to như tấm bảng hiệu? Tôi sững người, không thể hiểu được, khi nhìn tập giấy. Phản ứng của tôi khiến các nhân viên thẩm vấn khoái chí, nhưng họ không nói gì cả. Thay vào đó, họ hỏi tôi một điều khiến tôi lạnh gáy.

Cô đã gặp ai tại phi trường Baghdad? Không phải chỉ một người, phải không? Cái tên Cho có nhắc cô điều gì không?

Câu hỏi này được đặt bằng tiếng Triều Tiên. Nhưng nó làm tôi bất ngờ quá, đến nỗi tôi không phản ứng được gì cả. Tôi tròn mắt và chắc hẳn là mặt mày nhợt nhạt.

Cô bắt đầu chán rồi phải không? – người đàn ông hỏi cung tôi hỏi bằng tiếng Trung. – Cô bắt đầu chán rồi phải không? – ông ta nhắc lại bằng tiếng Nhật. – CÔ BẮT ĐẦU CHÁN RỒI PHẢI KHÔNG? – ông ta gầm lên bằng tiếng Triều Tiên, và tôi bắt đầu nức nở.

Ông ta quẳng cuốn hộ chiếu tôi lên bàn.

Ai đây? – ông ta hỏi.

Làm sao tôi biết được? – nắm chặt tay, tôi hét lên.

Người sĩ quan thẩm vấn ấn tôi vào tường. Gương mặt rắn rỏi như đá, ông ta gằn giọng bằng tiếng Triều Tiên, lạnh lẽo:

Một trăm mười lăm người đi trên chiếc máy bay đó. Đại đa số là công nhân, vô tội, chả dính dáng gì đến chính trị. Họ đã làm việc cực nhọc trong cái nóng khủng khiếp nơi sa mạc để nuôi gia đình, để có tiền cho con cái ăn học. Đã xa nhà bao tháng trời, họ mang ít tiền về cho gia đình – số tiền mà họ đã cật lực làm lụng để có nó. Chúng tôi không biết vì sao cô làm như thế, nhưng cô đáng để sét đánh chết! – Ông hít một hơi thuốc và thổi vào mặt tôi. – Tôi biết không phải cô tự ý làm điều này, tôi đoán có lẽ cô đã phải trả giá bằng tính mạng cô. Nhưng, trời tru đất diệt cô đi! Cô nợ những gia đình có người bị hại, ít nhất là một lời khai, để chúng tôi có thể xử lý những kẻ thực sự phải chịu trách nhiệm vì tội ác này. Nếu đánh mất phẩm giá con người, chúng ta còn lại gì, chúng ta khác gì loài cầm thú, điền cuồng và tàn bạo?

Lúc ấy tôi đã khóc không còn biết trời đất là gì nữa, nhưng ông ta vẫn tiếp tục nói.

Cô đánh mất tính người rồi, cô bé ạ – dùng ngón tay, ông búng về phía tôi. – Làm sao cô mong chúng tôi đối xử với cô như một con người? Sao chúng tôi lại phải làm thế? Tất cả đều có thời điểm của nó, và chẳng mấy chốc cô sẽ đánh mất khả năng sám hối. Nếu để lỡ cơ hội này, có lẽ cô sẽ không còn lần nào nữa đâu!

Ông ta nhìn rất sâu vào mắt tôi, ở khoảng cách gần như vậy, trông ông ta lại không mấy điển trai.

Chính phủ của cô không mấy để tâm đến tính mạng con người và tôi lấy làm tiếc vì cô đã trở thành công cụ trong tay họ. Giả thử làm được một điều gì cao cả thì cô đáng được trọng. Đằng này, giết hại những người vô tội… Cô không đáng được coi trọng. Đây là một hành động độc ác và ngu xuẩn. Và nếu không hiểu rằng đây là một hành động ngu xuẩn, thì cô cũng là kẻ ngu xuẩn. Cô hiểu tôi chứ? Kẻ nào bỏ qua lẽ phải để kết thân với sự độc ác, kẻ ấy đáng bị gọi là phản bội. Nhưng, nếu ai từ bỏ sự tàn độc đề về với cái tốt lành, đó là người chân chính. Nhồi sọ, tẩy não một thiếu nữ trẻ như cô là một hành động khốn nạn. Nhưng cô vẫn còn thời gian để xin lỗi và sám hối. Tôi chỉ cảnh báo rằng, khoảng thời gian ấy không nhiều! – Ông nhìn trừng trừng vào mắt tôi rồi quay đi. Nhưng đến lúc đó ông ta vẫn chưa chịu thôi. Ra đến cửa, ông còn ngoảnh lại và thêm vài lời với tôi.

Cô hãy nghĩ mà coi. Nếu cô khai thì đó sẽ là một sự đền bù gì đó đối với những gia đình đã đánh mất người thương của họ. Nhưng nếu muốn, cô sẽ chết một cách bẩn thỉu với máu của một trăm mười lăm con người vô tội, vì một đất nước không hề coi trọng tính mạng cô hơn tính mạng của con nhặng! Nếu vậy, Thượng đế cũng sẽ không rủ lòng nhân từ với cô. – Ông ta đã bước ra hành lang mà tôi vẫn nghe được giọng ông. – Nghĩ về điều này, Chui Hui nhé. Hay phải để tôi nói rằng, Okhva nhé?