Chương 6- Giọt lệ trong hồn – Hồi ký điệp viên Kim Hyun Hee

0
2510
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

strong>CHƯƠNG SÁU

Sau bất cứ một chuyến công tác ngoại quốc nào, các điệp viên mật cũng phải theo học một khóa về ý thức hệ để củng cố lòng tin vào lý tưởng XHCN. Bất ngờ là, ít nhất đối với tôi, tôi không thể lên án hoàn toàn các xã hội phương Tây đang ăn sung mặc sướng một cách vô tư lự. Tôi luôn nhớ lại cảnh những cửa hiệu đầy hàng hóa, và những con người ăn vận đẹp đẽ.

Sukhi ghen tị với tôi về chuyến đi này, nhưng cô vui khi gặp lại tôi. Chẳng mấy chốc, chúng tôi lại là đôi bạn tốt và tôi cũng mừng là lại được ở với cô. Lẽ ra tôi không được kể với bất cứ ai về chuyến đi, nhưng tôi cảm thấy không thể đừng được: ít nhất tôi cũng phải kể mình đã đi những đâu.

Tôi bắt đầu học cả tiếng Trung, vì người ta đưa vào một chương trình mới, theo đó tất cả các điệp viên mật đều phải thạo ít nhất ba thứ tiếng. Nhiều tháng sau, Sukhi và tôi được cử đi Quảng Châu để học thật giỏi tiếng Trung, sau đó đến nửa năm ở Macao. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi ngày lên đường, và càng vui mừng hơn nữa vì được cùng nhau đi.

Tại Quảng Châu, chúng tôi ở nhà điệp viên Pak Changri, ông ta giúp chúng tôi học thổ ngữ Quảng Châu và những kiến thức về xã hội Trung Quốc. Trời nóng khủng khiếp, 38 độ, và đường phố thì chật ních người. Cứ thứ bảy, Changri lại đánh giá công việc trong tuần của chúng tôi, để làm sao cho chúng tôi phát triển ở mức độ cần thiết.

Năm ấy với tôi là một thời kỳ đẹp đẽ. Chúng tôi có một khoảng tự do cá nhân khá lớn, ông chủ nhà thì dễ chịu và rất quan tâm đến chúng tôi, và chúng tôi có nhiều dịp để gặp gỡ những con người thú vị. Lần đầu tiên, chúng tôi thực sự được tự lập. Tôi thực sự gần gũi với Sukhi, chúng tôi có dịp tâm sự với nhau về đường đời của hai đứa, cởi mở hơn nhiều so với những gì mà thượng cấp của chúng tôi cho phép.

Sukhi muốn được lấy chồng. Bản thân tôi thì nghĩ đến điều này với tâm trạng khác nhau, tôi cũng không ngẫm nghĩ nhiều về nó vì đối với tôi, đảng luôn đứng ở vị trí đầu. Cố nhiên, tôi cũng thăng tiến nhanh hơn Sukhi trên con đường sự nghiệp. Sukhi là một cô gái thông minh, nhưng không thật có tài và cô được tuyển làm điệp viên trước nhất vì sắc đẹp. Cô cũng có suy nghĩ thiên về gia đình hơn tôi, mong muốn có nhiều con, được làm người nội trợ và có nhà cửa. Và cô khá hay phê phán Triều Tiên một cách công khai.

– Ngay Trung Quốc người ta cũng sống khá hơn nhà mình – một buổi tối, cô phàn nàn khi chúng tôi đã lên giường, đầm đìa mồ hội vì nóng. – châu Âu thì thế nào, Okhva? Cậu kể tớ nghe đi!

– Cậu biết là không được phép mà.

– Thôi đi cậu, có ai biết đâu!?

Tôi lưỡng lự một lúc.

– Thế này cậu ạ, phương Tây cũng không hoàn thiện, không có chuyện ấy đâu. Tại đó, có những điều mà ở Triều Tiên chúng mình không thể có: mại dâm, cướp bóc, giết người, ăn xin trên đường phố… Tuy nhiên, tớ vẫn thấy nhớ những nơi đã được tới. Có điều, nói về nó làm gì, vô nghĩa! Chúng mình phải ở lại quê hương.

– Nếu được cử sang châu Âu vào một lúc nào đó, tớ sẽ ở lại – Sukhi tuyên bố.

Tôi ngạc nhiên.

– Sukhi!

– Tớ nói nghiêm chỉnh đấy. Tớ đã nghe bao chuyện về châu Âu rồi, Okhva ạ. Ở đó, thực phẩm gấp chục lần nước mình, ai cũng có xe hơi và mỗi người có thể chọn cho mình một công việc mà họ muốn.

Tôi bối rối, hơi giận Sukhi và không biết phải nói gì. Điều cô nói là đúng, nhưng nếu tôi hưởng ứng thì sẽ là sự ngu xuẩn.

– Tớ muốn lấy chồng châu Âu, nếu được một chàng tóc vàng thì tốt. Tớ muốn có nhà riêng. Không cần phải giàu có, nhung tớ chỉ muốn một điều… được tự do!

Tôi sững sờ trước lời bộc bạch của Sukhi và lo lắng cho cô bạn.

– Sukhi, vấn đề là bọn mình sống ở một đất nước mà hiện giờ mới đang phát triển. Một ngày nào đó, Triều Tiên cũng sẽ có tất cả những gì mà châu Âu có, nhưng chia đều cho mọi người, Không chỉ những kẻ giàu có được hưởng thụ cái hay, cái đẹp. Ngoài ra, tốt nhất là bọn mình đừng nói về những chuyện này. Nếu lọt đến tai một cán bộ đảng, cậu sẽ không thoát được đâu.

Dù học hỏi được gì ở Trung Quốc đi nữa, chúng tôi cũng vẫn lạ lẫm ở Macao.

Tại Macao, trên thực tế, chúng tôi phải sống tự lập trong xã hội tư bản. Chúng tôi có nhà và tài khoản ngân hàng. Chúng tôi trả hóa đơn và mua bán. Đêm đêm, chúng tôi đến những tụ điểm giải trí để làm quen với văn hóa địa phương. Tất cả đều quá mới – hơn nữa, đều quá hấp dẫn – đối với chúng tôi, khiến chúng tôi phải chóng mặt.

Lần đầu chỉ qua Macao ít ngày, tôi chả biết gì mấy về mảnh đất này, nhưng lần này tôi nhanh chóng hòa nhập vào đời sống thường nhật ở đây. Chúng tôi không kết bạn vì chỉ thị được đưa ra là phải sống cách biệt. Chúng tôi ở đó không với tư cách của các du khách: nhiệm vụ của chúng tôi là phải luyện thổ âm Quảng Châu và tập làm sao để thật thành thạo trong vai trò các phụ nữ người Hoa. Chúng tôi thường xuyên phải cảnh giác, vì có thể tính đến việc các điệp viên Triều Tiên khác cũng theo dõi chúng tôi.

Có điều, nhiệm vụ này đòi hỏi chúng tôi phải thật tự giác và không phải bao giờ chúng tôi cũng hội tụ đủ điều đó. Tại các nơi giải trí, Sukhi giành đa số thời gian để khiêu vũ với các thương gia địa phương, thi thoảng tôi phải kéo cô bạn ra về. Tôi cũng thường xuyên bị tán tỉnh và tôi không biết phải phản úng ra sao, vì bản tính tôi rất hay ngượng ngập.

Một tối nọ, tôi khiêu vũ với một nhà tài chính Hồng Công giàu có, ông này không giấu ý định muốn làm quen với tôi. Có lẽ ông ta gần ngưỡng tứ tuần, ăn vận Âu phục lịch sự và đặt cho tôi những câu hỏi thường lệ: tôi sinh ở đâu, làm nghề gì và đại loại như thế. Tôi không biết phải trả lời ra sao. Như một phản xạ, tôi kéo tay Sukhi – lúc đó đang khiêu vũ rất bạo dạn với một người da trắng – và lôi cô ta khỏi quán bar đó.

– Cậu làm gì vậy? – Sukhi bực bội gào lên với tôi, khi hai đứa dã ra ngoài phố và giằng khỏi tay tôi.

– Sukhi, tớ không chịu được nữa rồi! Làm sao có thể nhập vai với dân ở đây… khi chúng mình… không thể ở lại với họ?!

– Ô, Okhva! – Sukhi kinh ngạc. – Bất ngờ quá, cậu mà cũng nói thế à? Cậu là cô gái cả đời ngoan ngoãn kia mà.

– Ở đây mọi thứ đều khác cả. Tớ không biết nói sao với những người đàn ông ấy.

– Cứ nói tự nhiên thôi: “Anh yêu, cưới em đi và đưa em khỏi nơi đây”. Nếu tớ có thể ở thêm vài tháng nữa với tay người Áo này, tớ muốn được y như thế.

Tôi sửng sốt nhìn Sukhi, nhất là vì… tôi cũng có cảm giác giống như thế.

– Cậu nói nghiêm túc đấy chứ?

Sukhi lấy bao thuốc lá ra. Những tuần gần đây, cô đã quen hút thuốc; cô châm lửa rồi rít một hơi.

– Giận tớ cũng được, Okhva ạ.

Cố nhiên, chả có gì diễn ra từ những cuộc gặp gỡ như thế, mặc dầu tôi cảm thấy ngày càng bị cuốn hút bởi thứ văn hóa tư bản năng động. Có lẽ may mắn cho tôi là chẳng bao lâu sau, chúng tôi bị gọi về Bình Nhưỡng.

Về đến nơi, tôi được phép về thăm gia đình. Tôi mua cho cậu em trai Bamso một chiếc đài cầm tay, và vài món quà cho mọi người. Nhưng về đến nhà, tôi thấy cả gia đình đang thẫn thờ.

Bamso chết rồi!

Khi mẹ tôi nói tin này, tôi làm rơi chiếc đài và òa lên nức nở. Tôi nhào đến ôm mẹ vào lòng. Bamso, cậu em trai khốn khổ của tôi! Nó là đứa em tuyệt vời, luôn lạc quan và vui vẻ. Nó bị ung thư da và ra đi khi mới 15 tuổi. Cha mẹ tôi đã tính trước được là nó sẽ qua đời, vậy mà họ vẫn đau khổ ghê gớm. Trong thời gian tôi về thăm nhà, cha tôi tránh mặt tôi, như thể ông giận tôi. Về sau tôi mới hiểu điều này.

Gần hai năm tôi không được về nhà. Giữa chừng, em gái tôi, Hyonok đã kết hôn với một hướng dẫn viên thuộc Tổng cục Du lịch. Tôi cảm thấy mẹ tôi buồn vì tôi không phải là đứa con gái đầu đi lấy chồng. Tôi cũng nhận thấy càng ngày, tôi càng xa cách gia đình. Không được kể về thời gian huấn luyện cũng như nhiệm vụ mà tôi được giao, tôi luôn căng thẳng vì không có gì để nói. Chao ôi, chúng tôi muốn trò chuyện tâm sụ biết chừng nào! vậy mà, càng ngày, chúng tôi càng rời xa nhau…

Tuy nhiên, tất cả những điều này vẫn khiến tôi bất ngờ trước cử chỉ của cha tôi khi điệp viên Chang đến đón tôi. Mẹ tôi mở cửa và khi Chang bước vào nhà, cha tôi lập tức tiến đến gần ông ta, nắm cổ áo và đẩy ông ta vào chân tường.

– Khi nào chúng mày mới trả lại con gái cho tao? – cha tôi hét to, nước mắt ròng ròng. – Lũ khốn nạn! Khi nào?

– Bố ơi! – tôi hoảng hốt kêu lên. Tôi biết là phải ngăn chặn cha tôi bằng mọi giá. – Bố thả đồng chí ấy ra đi! – Một hành vi như thế có thể khiến cả gia đình tôi bị tử hình như bỡn!

Cha tôi thả điệp viên Chang ra. Chang bối rối và ấp úng bảo tôi: “Tôi sẽ chờ đồng chí ngoài xe”.

– Bố ơi! – tôi nghẹn ngào.

– Cút đi! – ông hét lên và đẩy tôi ra cửa. – mày không còn là con tao nữa! Mày đã thuộc về chúng nó rồi! Thế thì cút đi! Về lại với chúng nó ấy!