Home Thông tin Luật chống tham nhũng KIM YOUNG RAN – 김영란법

Luật chống tham nhũng KIM YOUNG RAN – 김영란법

0
4374

Luật chống tham nhũng Hàn Quốc hay còn gọi là Luật Kim Young-ran 김영란법, có hiệu lực từ ngày 28/09/2016, có thể coi là một biện pháp mang tính bước ngoặt trong nỗ lực quét sạch nạn tham nhũng tại Hàn Quốc.

Luật được đặt theo tên của nữ thẩm phán Tòa án Tối cao đầu tiên trong lịch sử tư pháp Hàn Quốc Kim Young-ran (김영란).

Phạm vi điều chỉnh

Đối tượng áp dụng của Luật Kim Young-ran là các công chức, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nghị sĩ Quốc hội, người làm trong ngành báo chí, giáo viên các trường học tư thục. Luật còn xử phạt với cả những người hối lộ tiền, đưa quà tặng hay đề xuất chiêu đãi nên không chỉ cán bộ mà cả người dân thường cũng sẽ chịu áp dụng của luật này.

Nếu những người này nhận thết đãi bữa ăn trên 30.000 won (khoảng 600 ngàn VNĐ), quà tặng có trị giá trên 50.000 won (khoảng 1 triệu VNĐ), tiền hiếu hỷ trên 100.000 won (2 triệu USD) thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Nếu giá trị vượt quá 1 triệu won (tương đương 20 triệu VNĐ) hoặc tổng giá trị quà tặng trong 1 năm hơn 3 triệu won (60 triệu VNĐ) thì sẽ bị xử lý hình sự.

Những công chức tham gia giảng dạy, thuyết trình bên ngoài cơ quan chỉ có thể được nhận số tiền thù lao tối đa là 200,000 won (4 triệu VNĐ) / một giờ đối với công chức bậc năm trở xuống, và tối đa là 500,000 won (10 triệu VNĐ) đối với quan chức cấp Bộ trưởng.

Dựa theo 3 mức tiền bị giới hạn (3만원, 5만원, 10만원) mà luật còn được gọi tắt là “luật 3-5-10”.

Người đầu tiên bị phạt bởi luật này là một phụ nữ 55 tuổi ở thành phố Chuncheon tỉnh Gangwon. Ngày 8/12/2016, ba bị Tòa án phạt tiền 90,000 won (1,8 triệu VNĐ) vì “hối lộ cảnh sát bằng bánh gạo”. Người phụ nữ kể trên bị cáo buộc đưa cho cảnh sát số bánh gạo trị giá 45,000 won vào 28-9, ngày đầu tiên luật chống tham nhũng có hiệu lực. Danh tính viên cảnh sát này không được tiết lộ. Trước đó, viên cảnh sát phụ trách một vụ khiếu nại lừa đảo do người phụ nữ gửi đơn lên phòng cảnh sát Chuncheon. Tuy được người phụ nữ tặng bánh gạo nhưng viên cảnh sát không lấy mà đem trả lại rồi báo cáo vụ việc cho cấp trên, cáo trạng tại tòa án cho biết.

Khen thưởng cho người tố cáo

Đạo luật này còn bảo đảm khen thưởng hậu hĩnh có thể lên tới 200 triệu won (khoảng 4 tỉ VNĐ) cho người tố giác, bắt quả tang hành vi tham nhũng của các quan chức, nhân viên chính phủ. Điều này đã khiến người dân Hàn Quốc đổ xô đến các lớp học kỹ năng làm paparazzi (thợ săn ảnh), tạo nên một làn sóng chống tham nhũng “kiểu Hàn Quốc”. Ước tính, số người đến các trường học paparazzi đã tăng gấp 3 lần kể từ khi luật chống tham nhũng mới được áp dụng.

Trong một lớp ở trường học dành cho “ran-parazzi”-người chỉ điểm quan tham tại Hàn Quốc, ở quận Seocho, thủ đô Seoul, có khoảng 15 học viên. Hầu hết học viên đều ở trong độ tuổi 40 và 50. Quản lý trường học, ông Moon Seoung-ok, 70 tuổi, chia sẻ với học viên: “Trong cùng một lúc, các bạn vừa có thể làm giàu, vừa thực hiện được vai trò của người yêu nước”. Ông Moon chuyển cho các học viên tài liệu về đạo luật Kim Young-ran và nói: “Bạn có thể nhặt hóa đơn từ thùng rác của các nhà hàng. Bạn cần thu được bằng chứng”.

Tại một đám cưới ở khu vực thượng lưu Gangnam, thủ đô Seoul, “ran-parazzi” Song Byung-soo, 60 tuổi, đang theo dõi chặt chẽ, tìm kiếm các quan chức có khả năng vi phạm luật. Ông Song Byung-soo chia sẻ: “Tôi từng ngập ngừng bởi nghĩ rằng mình có thể gây tổn thương cho ai đó khi làm việc này. Nhưng sau khi được đào tạo, tôi nghĩ nó là điều bình thường, bởi nếu những người như chúng tôi có thể khiến cho xã hội minh bạch hơn, không còn các trường hợp thiên vị hay tham nhũng thì đó là mục đích tốt”.

Những lo ngai

Tại Hàn Quốc, các bữa ăn xa hoa, quà tặng và quyên góp tại các tiệc sinh nhật hay đám tang đã trở nên phổ biến và được chấp nhận như là một phần của nền văn hóa và phép lịch sự trong kinh doanh.

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ bày tỏ lo ngại quy định mới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến họ và mức tiêu thụ trong nước. Theo một phát ngôn viên của các doanh nghiệp nhỏ và dịch vụ thị trường Hàn Quốc, ước tính điều luật mới có thể gây ra thiệt hại 2,6 tỷ USD mỗi năm cho các doanh nghiệp nhỏ và mất đi 1,26 triệu khách hàng.


“Menu luật chống tham nhũng” tại một nhà hàng ở thủ đô Seoul với các gói ăn giá rẻ.

Tuy nhiên, các chủ nhà hàng ở trung tâm thành phố Seoul đã bắt đầu thích nghi với những thay đổi. Họ đang quảng cáo các gói ăn mới dưới mức tiền quy định, gọi là “menu luật chống tham nhũng”.

——–

❤❤❤ Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, hãy bấm LIKE/THÍCH Facebook Hàn Quốc Ngày Nay và giới thiệu cho bạn bè, nhóm của mình về bài viết này.

❤ Hãy tham gia nhóm Facebook Viet Professionals in Korea để dễ dàng tìm hiểu, thảo luận về visa và các vấn đề khác tại Hàn Quốc.

error: Muốn copy thông tin từ website này, vui lòng liên hệ và xin phép facebook Hàn Quốc Ngày Nay!!!