Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Thống kê Hàn Quốc, 50% người Hàn Quốc cảm thấy không còn cần thiết phải kết hôn và ngày càng có nhiều người chấp nhận các cặp vợ chồng sống chung với nhau không cần kết hôn. Hôn nhân đang yếu đi và các áp lực khác hiện chiếm vị trí trung tâm trong cuộc sống của người dân. Một nửa công chúng đang căng thẳng và lo âu đang tăng dần vì các vấn đề tội phạm và sức khỏe.
Tổ chức Thống kê Hàn Quốc tiến hành các cuộc điều tra xã hội hàng năm tập trung vào năm chủ đề: gia đình, giáo dục, y tế, an toàn công cộng và môi trường. Lần này cuộc thăm dò được thực hiện trên 38.600 người trên 13 tuổi.
CÁC GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH
Tỷ lệ người cảm thấy hôn nhân là cần thiết đang giảm nhanh, từ 56,8% năm 2014 xuống 51,9% trong năm nay, trong khi 48% hiện nay nghĩ rằng thật tốt khi các cặp đôi sống chung mà không cần kết hôn. Trong khi đó tỷ lệ người nghĩ rằng phải tránh vấn đề ly dị mọi giá đã giảm từ 44,4% năm 2014 xuống 39,5% trong năm nay.
Vai trò của người đứng đầu gia đình, dòng tộc cũng đang suy yếu. Tỷ lệ thanh thiếu niên tham khảo sự tư vấn của cha mẹ chỉ 24,1%, trong đó chỉ 3,5% chọn cách tâm sự với cha trong khi 20.6% muốn được tư vấn của mẹ. Nhưng 44,4% thích hỏi bạn bè hơn.
Khoảng 75,4% nói rằng phong tục đám cưới của Hàn Quốc là quá mức cần thiết, phản ánh sự mệt mỏi về chi phí cao và thủ tục phức tạp.
Giáo dục
Hơn 65% cho rằng giáo dục quá đắt đỏ. Đa số cho rằng nguyên nhân chính của việc chiêu tiêu giáo dục đắt đỏ nằm ở việc học kèm. Ngày càng có nhiều người muốn cho con em đi du học ở nước ngoài, tăng từ 55,6% trong năm 2014 lên 57,4% trong năm nay. Đương nhiên, người giàu có là những người mong muốn nhất với 65,3% hộ gia đình có thu nhập nhiều hơn 6 triệu won (khoảng 5,110$) một tháng nói rằng họ muốn con cái được học tập tại nước ngoài.
Cha mẹ và con cái có suy nghĩ khác nhau về việc học tập bao nhiêu là đủ. Trong số các học sinh, 64,7% muốn tốt nghiệp đại học so với 72,8% của cha mẹ. Cha mẹ càng có trình độ cao thì họ càng mong muốn con mình có tấm bằng thạc sĩ trở lên.
Sức khỏe
Hầu hết người Hàn Quốc đều bị căng thẳng (stress), với 54,7% đàn ông và 57,3% phụ nữ, và nhiều người uống rượu bia và thuốc lá để giúp giảm căng thẳng. Hai phần ba hay 65,4% uống rượu thường xuyên, tăng nhẹ so với hai năm trước đây.
Tỷ lệ người nói rằng họ uống rượu bia vì các quan hệ xã hội giảm từ 61,2% năm 2014 xuống 53,1%, nhưng tỷ lệ người uống rượu bia do căng thẳng tăng từ 35,3% lên đến 41,1%. Tuy nhiên, số người hút thuốc giảm từ 22,7% xuống còn 20,8% do giá thuốc lá tăng.
Mong muốn tự tử giảm nhẹ từ 6,8% xuống 6,4% với tỉ lệ phụ nữ (7,5%) nhiều so với nam giới (5,3%). Vấn đề tiền bạc là mộ trong những lý do được đưa ra nhiều nhất với 35,5% của nhóm người có ham muốn tự tử.
Môi trường xã hội
Người Hàn Quốc đang bị bao vây bởi nhiều lo âu. Khoảng 45,5% nói rằng họ sợ tội phạm hay bệnh tật. Những lo ngại về tội phạm (29,7%), các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia (19,3%) và rủi ro kinh tế (15,5%) là phổ biến nhất. Nỗi lo sợ thảm họa nhân tạo (21%) bị thu hẹp trong khi lo lắng về rủi ro kinh tế đã tăng 5,8%.
Tỷ lệ những người cảm thấy xã hội Hàn Quốc sẽ an toàn hơn trong năm năm tới giảm từ 20,2% xuống còn 15,4%, trong khi những người cảm thấy Hàn Quốc sẽ trở nên nguy hiểm hơn tăng từ 27,1% lên 38,5%.
Người Hàn Quốc rất nhạy cảm với ô nhiễm không khí khi đất nước bị bụi vàng độc hại thường xuyên bay đến từ Trung Quốc với 79,4%.