Làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm ở đâu?

0
2301
Bấm vào quảng cáo để ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay

Bàn Môn Điếm (판문점; Panmunjeom; 板門店) vốn là một ngôi làng nông nghiệp nằm trên vĩ tuyến 38, nơi là ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và trước Chiến tranh Triều Tiên.

Về mặt hành chính, trước Chiến tranh Triều Tiên, Bàn Môn Điếm thuộc tỉnh Gyeongi của miền Nam, sau chiến tranh thuộc tỉnh Bắc Hwanghe của miền Bắc.

NƠI ĐÀM PHÁN HIỆP ĐỊNH NGỪNG BẮN

Ngày 25/06/1950, Triều Tiên tấn công tổng lực Hàn Quốc và mở đầu cho Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Dù còn nhiều tranh cãi về việc ai nổ súng trước, mở màn vào ngày nào nhưng các văn bản ngày nay đều xem 25/6 là ngày bắt đầu chiến tranh.

Sau khi các bên nhiều lần cùng đẩy được đối phương về phía chân tường thì đến tháng 6/1951, phần chiếm đóng của cả hai bên lại quay về vĩ tuyến 38 gần giống như trước chiến tranh. Trong khi hai bên vẫn bắn nhau thì đại diện 2 bên, 4 lực lượng đã tìm cách đàm phán để kết thúc chiến tranh.

Ban đầu, nơi đàm phán là cố đô Kaeseong, lãnh thổ miền Nam trước chiến tranh nhưng ở thời điểm đấy đã vào tay miền Bắc. Sau một số sự cố thì bên Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc đứng đầu là Mỹ yêu cầu dời nơi đàm phán về làng Bàn Môn. Ngôi làng này nằm ngay biên giới và gần con đường nối Seoul và Kaeseong, cách Seoul 53 km về phía bắc–tây bắc và cách Kaesong 10 km về phía đông. Vị trí biên giới và sự tiện lợi về mặt giao thông có lẽ là ưu điểm lớn nhất để chọn khu này làm nơi đàm phán.

Do chiến sự, ngôi làng không còn nóc nhà nào. Nơi các bên đàm phán chỉ là những căn nhà dựng tạm như túp lều ở hình dưới đây chứ không phải nằm trong các building hoành tráng nào cả.

Làng đình chiến Bàn Môn Điếm

Với việc Tổng bí thư Liên Xô Stalin qua đời và tướng Eisenhower đắc cử tổng thống Mỹ, hai bên tiến nhanh đến việc ký kết hiệp định ngừng bắn. Lúc các điều khoản đã được hai bên đồng ý thì cả hai cùng xây dựng một ngôi nhà để làm lễ kí kết. Triều Tiên cung cấp nhân lực và 1 số thiết bị, lực lượng LHQ cung cấp thiết bị, máy phát, điện để làm cả ban đêm và sau 48 giờ thì hoàn thành.

Ngày 27/7/1953, lễ kí kết hiệp định ngừng bắn đã diễn ra tại căn nhà này.

BÀN MÔN ĐIẾM NGÀY NAY

Do chiến tranh tàn phá cũng như tính nhạy cảm về vị trí địa lý, Bàn Môn Điếm ngày nay không còn nữa. Vết tích duy nhất dính đến Bàn Môn Điếm còn tồn tại và có thể kể đến chính là ngôi nhà xây mới để kí hiệp định vào ngày 27/7/1953 mà thôi. Ngôi nhà đó bây giờ được Triều Tiên làm thành Bảo tàng Hòa bình, còn Hàn Quốc gọi theo tiếng Hàn là 정전협정조인장.

Ngày nay, khi nói đến Bàn Môn Điếm, đi du lịch làng đình chiến thì thật ra là đang nói đến khu vực có tên gọi là Join Security Area (JSA) – Khu vực An ninh chung. Khu vực được xây dựng sau đấy để làm nơi hai phía hội họp, đàm phán và cách nơi kí kết 1km về phía đông.

Về mặt báo chí hay du lịch, cái tên Bàn Môn Điếm quá nổi tiếng so với JSA nên hầu hết cả những người biết hoặc không biết sự liên quan giữa hai tên gọi này đều dùng chung chữ Bàn Môn Điếm khi nói đến cả ngôi làng Bàn Môn ngày xưa hay Khu vực An ninh chung ngày nay.

——————————————————–

❤❤❤ Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, hãy bấm LIKE/THÍCH Facebook Hàn Quốc Ngày Nay và giới thiệu cho bạn bè, nhóm của mình về bài viết này.

❤ Hãy tham gia nhóm Facebook Viet Professionals in Korea để dễ dàng tìm hiểu, thảo luận về visa và các vấn đề khác tại Hàn Quốc.

❤ Ủng hộ Phở FAN Seoul là ủng hộ Hàn Quốc Ngày Nay.